Những ngày này, người ta đang nói nhiều đến Masan và 27 chuỗi cửa hàng đa tiện ích với hệ sinh thái WINLife “Trọn vẹn điều bạn cần”. Nhưng ngoài mảng thực phẩm, hàng tiêu dùng, siêu thị,… Masan còn kinh doanh một vật liệu kim loại có khả năng chống vỡ tốt hơn kim cương, cứng hơn thép, hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống hiện đại.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của Masan Group lâu nay có một khoản “Nợ tiềm tàng” được trình bày liên quan đến hoạt động của công ty con sở hữu gián tiếp NPM. Khoản phải thu này lên tới 242 tỷ đồng vào thời điểm 30/06/2022 liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của dự án khai thác mỏ Núi Pháo.
Nguồn cơn của khoản phải thu này ra sao, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hình dung qua bài viết này.
Đầu tiên, hãy nói về mảng kinh doanh khoáng sản của Masan thông qua mảnh ghép Masan High-Tech Materials. Sau 12 năm thành lập, công ty này đã chuyển mình mạnh mẽ từ doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản thành nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao toàn cầu, đồng thời phá thế độc quyền vonfram của Trung Quốc.
Masan High-Tech Materials đã trở thành nhà cung cấp vật liệu Vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới và trở thành nhà sản xuất các sản phẩm vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.
Ngoài Vonfram, Masan High-Tech Materials cũng là nhà sản xuất florit và bismut lớn trên thế giới.
Mỏ Núi Pháo – một mỏ đa kim nằm tại ba xã Hùng Sơn, Hà Thượng và Tân Linh của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại thời điểm năm 2014, trữ lượng đã được xác nhận của mỏ Núi Pháo là khoảng 66 triệu tấn, với vòng đời mở ước tính là 20 năm.
Trữ lượng của mỏ này ước tính chiếm tới gần một phần ba trữ lượng vonfram toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc, có khả năng sản xuất tới 6.000 tấn vonfram tinh chế mỗi năm.
Dự án Núi Pháo được xem như nguồn cung vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất (ô tô, máy bay, thậm chí là điện thoại IPhone), mà không có khoáng chất hay chất hóa học khác có thể thay thế.
Nhiều năm nay, trên báo cáo tài chính của công ty Núi Pháo và Masan luôn tồn tại khoản mục phải thu từ quyền khai thác khoáng sản với giá trị lớn.
Tới cuối quý II/2022, con số này là 242 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tài sản ngắn hạn của Công ty Núi Pháo.
Theo diễn giải trên BCTC của công ty, khoản mục này nằm ở tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Điều 77 Luật Khoáng sản quy định về Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (TCQKTKS):
(1) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá.
(2) Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản.
(3) Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Trong trường hợp của công ty Núi Pháo, căn cứ tính TCQKTKS có sự chênh lệch giữa giá tính thuế tài nguyên theo cách hiểu của công ty và đơn vị quản lý.
Theo giải trình của Công ty Núi Pháo và Masan, căn cứ theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 152/2015/TT – BTC, nếu doanh nghiệp khai thác tài nguyên không bán ra mà phải qua chế biên, sản xuất, giá tính thuế tài nguyên sẽ được xác định bằng giá cao hơn giữa giá bán tài nguyên – chi phí chế biến và bảng giá tính thuế do UBND cấp Tỉnh quy định.
Sản phẩm của NPM là sản phẩm công nghiệp nhưng không được giá tính thuế được áp cho sản phẩm công nghiệp mà sử dụng giá tính thuế áp dụng cho quặng vofram hàm lượng 0,1%
NPM đã thanh toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (TCQKTKS) được ước tính sử dụng giá cho sản phẩm công nghiệp và đã gửi công văn lên các cơ quan quản lý để xin giải quyết phù hợp.
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Masan quý II/2022
Với quan điểm của mình, NPM ghi nhận khoản tiền nộp bổ sung TCQKTKS cho năm 2019 là khoản phải thu khác và tin tưởng sẽ thu hồi được trong tương lai.
Nhịp sống thị trường