Bài viết dưới đây đưa ra các tiêu chí cụ thể nhằm xác định năng lực đầu tư của một chuyên viên đầu tư chứng khoán cao cấp, qua đó hi vọng nhà đầu tư có thể tự nhận định được yếu tố chuyên môn và các vấn đề quan trọng khác liên quan của người mà mình “chọn mặt gửi vàng”.
Chuyên viên đầu tư chứng khoán là người đưa các khuyến nghị đầu tư hoặc thay khách hàng thực hiện các quyết định đầu tư. Do vậy, trình độ và năng lực đầu tư chứng khoán của chuyên viên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đầu tư của khách hàng.
Dưới góc nhìn của một tổ chức đầu tư trong ngành, Vnstockmarket xin chia sẻ quan điểm về các tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực đầu tư của một chuyên viên:
- Được đào tạo chuyên sâu,
- Giàu kinh nghiệm làm việc ở tổ chức đầu tư lớn,
- Mức độ cam kết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp
- Các yếu tố khác
Mục lục
1. Chuyên viên đầu tư chứng khoán cao cấp phải được đào tạo chuyên sâu:
Tài chính/đầu tư là ngành dịch vụ lâu đời, được hình thành và phát triển với các tiêu chuẩn tương đối rõ ràng. Trong đó ngân hàng đầu tư một phân nhánh của ngành, được coi là ngành đòi hỏi các tiêu chuẩn cao nhất (investment banking – IB; chuyên viên đầu được xếp vào ngành này).
Vì là ngành trực tiếp liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, ngành IB có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành khác, nhất là đối với những lĩnh vực mới, start-up cần thu hút nguồn vốn.
Do đó việc tuyển dụng các chuyên viên đầu tư cao cấp ở các phòng đầu tư của các ngân hàng, tập đoàn, quỹ đầu tư… luôn có các yêu cầu khắt khe, đòi hỏi các chuyên viên đầu tư cần có “thành tích” ấn tượng ngay khi còn là học sinh/sinh viên. Bởi sự nỗ lực và nổi bật của họ ngay từ lúc ban đầu là cơ sở quan trọng để kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục tận tụy và xuất sắc ở chặng đường về sau.
Các chuyên viên đầu tư cao cấp nói chung hay chuyên viên đầu tư chứng khoán cao cấp nói riêng phần lớn đều là những người tốt nghiệp ở trường đại học quốc tế, du học sinh nước ngoài, trường top đầu trong nước, hoặc sở hữu các bằng cấp đầu tư quốc tế CFA, MBA…
Do vậy nếu nhà đầu tư sử dụng các dịch vụ đầu tư chứng khoán cao cấp, thì cũng nên lưu tâm đến quá trình được đào tạo của chuyên viên phục vụ mình. Ở điều kiện thị trường Việt Nam, có thể coi những người được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư nếu:
- Sở hữu chứng chỉ đầu tư quốc tế CFA.
- Tốt nghiệp MBA chuyên ngành kinh tế liên quan tại các trường đại học top đầu ở các nước có thị trường tài chính phát triển Mỹ, Anh, Úc, Nhật và các nước Châu Âu.
- Tốt nghiệp các chuyên ngành đầu tư, kinh tế liên quan ở các trường đại học quốc tế trong nước.
- Tốt nghiệp chuyên ngành đầu tư ở một số trường đại học top đầu Việt Nam.
2. Kinh nghiệm làm việc của các chuyên viên đầu tư chứng khoán
2.1 Tổ chức làm việc
Các chuyên viên đầu tư làm việc ở các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính chuyên nghiệp thường được đánh giá cao. Bởi:
- Môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực ngành nghề.
- Hiểu được mô hình kinh doanh & quản trị doanh nghiệp và dự án ở quy mô lớn tương đương với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán
- Xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh trong và ngoài ngành.
2.2 Vị trí làm việc:
Ở thị trường Việt Nam, các kinh nghiệm đầu tư quan trọng mà chuyên viên đầu tư chứng khoán có thể tích lũy để có thể nâng cao năng lực gồm các vị trí:
- Chuyên viên đầu tư các công ty quản lý Quỹ, Quỹ đầu tư.
- Chuyên viên chiến lược đầu tư, quản lý dự án, M&A tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
- Chuyên viên phân tích đầu tư, chuyên viên tự doanh cho các công ty chứng khoán lớn.
Cần lưu ý rằng, trình độ bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc trong quá khứ chỉ là minh chứng cho khả năng làm việc của chuyên viên. Điều quan trọng hơn là nỗ lực tiếp tục làm việc của họ trong ngành đầu tư và trên thị trường chứng khoán, điều này đặc biệt quan trọng bởi đây là ngành nghề yêu cầu cường độ làm việc cao, liên tục cập nhập và khai thác thông tin liên quan về các khoản mục đầu tư.
Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa chuyên gia đầu tư và chuyên viên đầu tư. Một người thường “lên sóng” phát biểu về các vấn đề đầu tư, làm hình ảnh và chăm lo phát triển business riêng của mình sẽ khó có thể thâm sâu về thị trường hơn các chuyên viên đầu tư, những người ít được biết đến, chỉ tập trung “soi mói” các business của người khác để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Đây là điều đơn giản nhưng quan trọng nhất, Vnstockmarket hi vọng nhà đầu tư có thể hiểu rõ bản chất vấn đề “thầy – thợ này”, vì không có gì thần thánh trong lĩnh vực đầu tư cả. Chính sự nỗ lực làm việc hàng ngày trong đúng lĩnh vực sẽ nâng cao năng lực đầu tư của người làm ngành nghề.
3. Chuyên viên đầu tư cao cấp phải cam kết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp ở mức cao nhất
Rủi ro đạo đức trong đầu tư chứng khoán ở Việt Nam là một trong những vấn đề nhức nhối. Thật khó để chấp nhận khi thấy các chủ tịch, CEO của các công ty niêm yết mua bán chui cổ phiếu rồi chịu phạt, hay dễ dàng mở các tiểu khoản để giao dịch ẩn danh, thậm chí công khai lập hội nhóm hô hào mua vào, bán ra cổ phiếu của chính công ty mình.
Hay tình trạng các công ty chứng khoán tuyển dụng các broker, nhân viên tư vấn từ bất kể ngành nghề nào và để tự do tư vấn khách hàng giao dịch không kiểm soát, miễn mang lại doanh thu phí dịch vụ.
Các chuyên viên đầu tư cam kết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư tránh được các rủi ro liên quan đến việc lợi dụng vốn và tài sản của khách hàng để chuộc lợi cho cá nhân và tổ chức cung cấp các dịch vụ đầu tư này, cụ thể là tăng chi phí dịch vụ hay mua vào các cổ phiếu quá rủi ro.
Hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi không thấy nhiều nỗ lực nội bộ của các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu tư trong việc giảm thiểu rủi ro đạo đức cho khách hàng. Việc cam kết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp dường như chủ yếu phụ thuộc vào mỗi cá nhân người làm đầu tư.
Do vậy Vnstockmarket khuyến nghị khách hàng khi sử dụng các dịch vụ đầu tư chứng khoán cần yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ làm rõ các biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức từ các chuyên viên/nhân viên đầu tư của mình. Để đảm bảo các chuyên viên đầu tư bị rằng buộc và hạn chế bởi các hành vi có thể gây tổn hại cho lợi ích cho khách hàng.
Ngoài ra chúng tôi đánh giá cao nỗ lực xây dựng các quy chuẩn đạo đức từ hiệp hội đầu tư CFA institute, khi đặt ra các yêu cầu khắt khe về tuân thủ bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên, ứng viên. Hi vọng với sự phát triển của tổ chức này, các chuyên viên đầu tư chứng khoán CFA sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cá nhân tốt hơn.
4. Các yếu tố khác để đánh giá chuyên viên đầu tư cao cấp:
4.1 Hiệu quả đầu tư trong quá khứ
Sự thành công trong quá khứ không đảm bảo cho các kết quả thành công trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, có nhiều yếu tố ngoài khả năng tính toán và dự đoán. Ngoài ra hiệu quả đầu tư ở dạng tài khoản cá nhân của khách hàng rất khó thống kê và làm kiểm toán, để nhà đầu tư có thể có các số liệu đáng tin cậy về hiệu quả đầu tư của các chuyên viên trong quá khứ.
Tuy nhiên nếu tổ chức tư cung cấp dịch vụ đầu tư chuyên nghiệp có thể tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế như GIPS, thì những kết quả đầu tư trong quá khứ của chuyên viên đầu tư sẽ được thống kê đáng tin cậy, và anh/chị nhà đầu tư có thể đánh giá được.
Anh/chị nhà đầu tư cũng nên lưu ý khi được giới thiệu bảng hiệu quả đầu tư trong quá khứ của đơn vị cung cấp dịch vụ hay chuyên viên đầu tư, tính xác minh của đơn vị thứ 3 có uy tín là rất quan trọng. Nếu không có, thì các hình thức khoe lãi khác… chỉ là các chiêu trò câu khách vi phạm các chuẩn mực đạo đức cơ bản của ngành nghề đầu tư.
4.2 Lựa chọn chuyên viên đầu tư cao cấp
Chuyên viên đầu tư theo phân loại về tổ chức làm việc có thể chia làm 2:
- Chuyên viên đầu tư cho các tập đoàn kinh tế,
- Chuyên viên đầu tư cho các tổ chức tài chính (quỹ đầu tư tài chính, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính khác)
Điểm cơ bản khác nhau của 2 chuyên viên đầu tư ở trên:
Chuyên viên đầu tư cao cấp làm việc tại các tập đoàn kinh tế thường:
- Hiểu sâu hơn về những ngành nghề trong hệ thống eco-system của tập đoàn làm việc,
- Hiểu sâu hơn về cơ cấu quản trị doanh nghiệp,
- Có tầm nhìn đầu tư dài hạn tốt hơn,
- Khả năng lượng hóa các biến cố kinh tế vào giá cổ phiếu tốt hơn, nhờ hiểu biết chuyên sâu hơn về ngành nghề
Chuyên viên đầu tư cao cấp làm việc tại các tổ chức tài chính:
- Có tư duy đầu tư tài chính (đầu tư ngắn hạn hơn),
- Nhanh nhạy hơn với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và các thông tin biến động vĩ mô nói chung.
- Hiểu biết rộng hơn về các ngành nghề kinh doanh, tình hình vĩ mô.
- Kỹ năng giao dịch, mua bán cổ phiếu tốt hơn.
Nên lựa chọn chuyên viên đầu tư nào?
Theo chúng tôi mỗi chuyên viên có thế mạnh riêng, nhiều chuyên viên từng luân chuyển vị trí làm cả 2 loại tổ chức đầu tư kể trên. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán mang thiên hướng đầu tư tài chính nhiều hơn, các kỹ năng giao dịch, tư duy thị trường là không thể thiếu, về điểm này các chuyên viên đầu tư ở các tổ chức tài chính có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên nếu các chuyên viên đầu tư tài chính đã từng làm việc cho các tập đoàn kinh tế, thì sẽ rất hữu ích cho năng lực đánh giá doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng của ngành nghề. Đây là điểm mạnh của chuyên viên đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn, nơi mà họ thường phải tham gia thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư, các thương vụ M&A hay thị trường, sản phẩm mới.