Vài ngày sau khi giá xăng hạ 3.000 đồng một lít, nhiều mặt hàng vẫn giữ giá, thậm chí còn tăng cao vì phải “nghe ngóng thêm kỳ điều hành tiếp theo”.
Cửa hàng phở của ông Hạnh (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa vội điều chỉnh lại giá bán. Hiện mỗi tô phở dao động 40.000-60.000 đồng, tăng 5.000-10.000 đồng so với hồi tháng 6. Tương tự, mỗi phần cơm gà cũng tăng lên 55.000-70.000 đồng. Mức giá này được ông Hạnh điều chỉnh từ cuối tháng 6 để ứng phó với “bão giá” nhiên liệu.
“Thực phẩm, nhất là thịt gà tươi cửa hàng vẫn phải nhập theo giá cũ 110.000- 120.000 đồng một kg, nên tôi chưa thể tính toán giảm giá bán”, ông Hạnh, chủ tiệm phở này giải thích.
Tương tự, tại TP HCM, các hàng quán bán bún riêu, bánh canh, bún bò đã tăng giá 5.000-10.000 đồng so với đầu năm, cũng đang chờ đợt điều chỉnh tiếp theo của giá xăng để cân nhắc.
Giá xăng dầu điều chỉnh 10 ngày một lần và mới giảm khoảng 10% sau 7 lần tăng giá liên tục, nên những cơ sở kinh doanh hàng ăn uống như cửa hàng của ông Hạnh vẫn phải “nghe ngóng thêm tình hình, giá nhiên – nguyên liệu giảm tiếp thì mới nghĩ tới điều chỉnh giá bán”.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh… tại chợ dân sinh cũng vẫn đứng nguyên giá. Cô Hoa, tiểu thương bán rau tại chợ Bình Thạnh (TP HCM) cho rằng, khó có thể điều chỉnh giá rau xanh khi mà nguồn cung hạn chế. “Cả tuần nay mưa bão, nhiều loại rau xanh thiếu hàng khiến giá tăng vọt”, cô Hoa nói.
Hiện, mỗi kg rau xà lách lên tới 60.000 đồng một kg, bó xôi 50.000 đồng, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 30.000-50.000 đồng một kg.
Một số mặt hàng thậm chí còn tăng giá. Theo anh Hòa, chủ sạp thịt heo trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), khi thịt heo tăng 12 giá, anh chỉ dám tăng 2-4 giá nên mức hiện tại không thể giảm thêm.
“Tôi lo vài ngày tới giá heo hơi sẽ còn tăng nên giá bán lẻ thịt heo sẽ khó mà giảm được. Mặt khác, giá thành để sản xuất một kg heo hơi tăng liên tục khi giá thức ăn chăn nuôi ‘đội’ 4-6 lần trong nửa đầu năm”, anh Hòa nói.
Chị Nguyên, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hà Đông (Hà Nội) cũng kể giá heo hơi tăng vọt lên 70.000 đồng một kg nên giá thịt heo mảnh chị nhập tăng theo ngày. Hiện mỗi kg thịt heo mảnh đã đắt thêm 10.000-12.000 đồng một kg so với cách đây nửa tháng.
“Thời tiết mưa gió thất thường, sức mua yếu trong khi giá nhập hàng tăng vọt, buổi chợ nào hòa vốn là may, còn phần lớn đều phải bù lỗ”, chị bộc bạch.
Hiện mỗi kg thịt thăn heo tại các chợ dân sinh dao động 120.000-130.000 đồng; thịt ba chỉ 130.000 đồng, sườn heo 120.000 đồng… So với cách đây hai tuần, mỗi giá đã tăng khoảng 10.000 đồng.
Với nhóm hàng hóa nhập khẩu, giá cũng không thể giảm theo xăng. Cụ thể, hộp sữa Similac nhập khẩu loại dành cho bé 1 tuổi có giá lên tới trên 700.000 đồng, các loại ngũ cốc dinh dưỡng vẫn trên 350.000 đồng một kg, bột mì Canada 90.000 đồng một kg…
Lý giải nguyên nhân, theo các doanh nhân nhập khẩu, để hàng hóa nhập về đến tay người tiêu dùng phải mất ít nhất một tháng. Do đó, nếu giá xăng chỉ giảm trong 10 ngày và tăng lại ngay sau đó, cước phí vận chuyển và chi phí khác vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, tình trạng khan container rỗng đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Mỗi container hàng đông lạnh trước đây chỉ mất 4-8 triệu đồng thì nay 20-30 triệu đồng.
Mặc khác, cấu thành của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng bởi cả thị trường quốc tế nên chỉ khi giá nguyên liệu thế giới hạ thì hàng nhập trong nước mới có thể giảm. Hiện, giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm ngũ cốc, sữa, đường, dầu cọ đang tăng 40-60% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Tương tự, theo ông Hoàng, thương nhân buôn bán thực phẩm ở chợ đầu mối Hóc Môn, lý do thực phẩm tươi sống, rau xanh khó giảm giá là chi phí vận chuyển đang chiếm khoảng 20% giá thành. Giá xăng giảm cũng chỉ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các chi phí khác như nhân công, giết mổ, giao hàng, sản phẩm đầu vào vẫn tăng cao và chưa có điểm dừng.
“Heo hơi 2 tuần qua đã tăng 10 giá, chưa kể khi nhập vào tôi còn phát sinh các chi phí chăm sóc khi chúng nằm chờ xuất chuồng mỗi ngày cả 50.000 đồng một con”, ông Hoàng nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, xăng hạ nhiệt là tín hiệu tích cực để chững đà tăng của giá hàng hóa trên thị trường. Nhưng giá sẽ khó giảm bởi mỗi sản phẩm bao gồm nhiều chi phí. Riêng với trứng, giá chi phí vận chuyển chỉ chiếm khoảng 15-20%, trong khi đó các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, bao bì đóng gói, nhân công, nhãn mác… tăng 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hôm 11/7, giá trứng còn tăng tiếp do nguồn cung hạn chế, chi phí thức ăn chăn nuôi điều chỉnh.
“Hiện giá trứng bình ổn tại công ty vẫn thấp hơn giá thị trường 10-15%. Để giá trứng giảm, đòi hỏi các chi phí đầu vào như bao bì, nhãn mác, thức ăn chăn nuôi phải đi xuống”, ông Thiện nói.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí, chi tiêu cho nhiên liệu của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ.
Ông phân tích, sau giảm, giá xăng dầu vẫn neo ở mức khá cao – 30.000 đồng một lít. Tức là đợt giảm giá vừa qua, tác động chưa đủ sâu để các nhà sản xuất, bán lẻ cung cấp hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh ngay giá bán.
“Các nhà sản xuất họ vẫn cần theo dõi tiếp xu hướng giá nhiên liệu tới đây giữ ổn định hay lại tăng, mới có quyết định điều chỉnh. Ít nhất mặt bằng giá hiện tại vẫn sẽ giữ nguyên cho tới kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo. Nếu xăng tiếp tục đi xuống mới có thể tính toán giảm giá bán”, ông nhận xét.
Theo Thi Hà – Hoài Thu / Vnexpress