Xác suất để tài khoản mới mở mua phải cổ phiếu giảm từ đầu năm là khá cao, khác hẳn so với trạng thái “mua gì cũng thắng” trong phần lớn thời gian của năm ngoái.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,8 triệu tài khoản trong nửa đầu năm, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản trong cả năm ngoái. Lượng tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm chiếm đến 1/3 tổng số tài khoản chứng khoán trong hơn 22 năm hoạt động.
Đáng chú ý, lượng tài khoản mới lớn chưa từng có trong lịch sử lại xuất hiện đúng vào giai đoạn sóng gió nhất của thị trường trong nhiều năm trở lại đây. Từ đầu năm, VN-Index giảm hơn 20% với 70% số cổ phiếu giảm điểm. Trong đó, gần một nửa số cổ phiếu trên 3 sàn có mức giảm lớn hơn VN-Index, 1/4 số cổ phiếu trên sàn giảm gấp đôi chỉ số này từ đầu năm.
Không chỉ các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, ngay cả những Bluechips hàng đầu cũng không tránh khỏi giông bão. Thống kê trong 49 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên cả 3 sàn chỉ có đúng 5 cái tên ngược dòng xu hướng từ đầu năm trong khi phần lớn đã mất hàng chục %, thậm chí quá nửa số cổ phiếu này giảm sâu hơn nhiều so với VN-Index.
Điều này cho thấy xác suất để tài khoản mới mở mua phải cổ phiếu giảm từ đầu năm là khá cao, khác hẳn so với trạng thái “mua gì cũng thắng” trong năm ngoái. Thay vì hồ hởi khoe lãi khắp các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán, câu chuyện gồng lỗ được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.
“Nhập môn” đúng thời điểm khó khăn, liệu nhà đầu tư mới có chán chứng khoán? Thắc mắc này không phải không có cơ sở khi thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm thời gian qua, trái ngược với xu hướng tăng của số tài khoản mở mới. Liên tục giảm từ đỉnh vào cuối năm ngoái, giá trị khớp lệnh bình quân trong tháng 6 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Có nhiều yếu tố có thể lý giải cho sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường như xu hướng tăng lãi suất, ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu, hoạt động siết margin,… Bên cạnh đó, rất nhiều nhà đầu tư đang lỗ sâu, chấp nhận “gồng” đến khi “về bờ” do không chịu sức ép buộc phải bán. “Đóng bảng đi làm việc” trở thành câu khẩu hiệu khá quen thuộc trên các diễn đàn chứng khoán, giao dịch thị trường trở nên ảm đạm cũng không quá bất ngờ.
Thêm nữa, số tài khoản mở mới cũng không còn phản ánh chính xác lượng nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường chứng khoán bởi nhiều lý do: (1) Một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau; (2) Tự động mở tài khoản chứng khoán khi khách hàng mở tài khoản tại một số ngân hàng có liên kết CTCK; (3) Nhiều tài khoản ở trạng thái passive do nhà đầu tư không còn nhu cầu sử dụng,…
Trong một báo cáo hồi cuối năm 2021, Dragon Capital cho rằng, tăng trưởng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Theo đó, tỷ lệ dân số tham gia vào chứng khoán tại Việt Nam mới chỉ tương đương với Đài Loan (Trung Quốc) trong giai đoạn những năm 1980-1990 và vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Khó khăn trong ngắn hạn không thể phủ nhận triển vọng dài hạn lạc quan của chứng khoán Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn ngay cả khi không còn môi trường tiền rẻ. Dù vậy, nhà đầu tư cần thích nghi để tránh tổn thất trong những giai đoạn thị trường hóa gấu.
Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS cho rằng hiện tại thị trường đang ở trong một đáy rất gần của một đợt suy thoái và trong dài hạn thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên. Vì thế, nhà đầu tư thua lỗ nặng cần xem xét đến hai yếu tố để đưa ra quyết định (1) loại bỏ tâm lý đầu cơ và xem xét mã cổ phiếu đang cầm xem có thực sự tăng trưởng lợi nhuận trong vòng 2-3 năm tới không (2) định giá cổ phiếu hiện tại đã đủ rẻ so với giá trị doanh nghiệp.
Theo Nhịp sống kinh tế / Cafef