Trong đầu tư kinh doanh, quản lý chi phí có tầm quan trọng không kém việc tạo ra doanh thu. Trong đầu tư chứng khoán cũng vậy, trong nhiều trường hợp chi phí chính là nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ kéo dài của nhà đầu tư. Bài viết này Vnstockmarket sẽ tập trung vào việc ước tính chi phí trong đầu tư chứng khoán.
Các chi phí chính trong đầu tư chứng khoán bao gồm: phí giao dịch, phí lãi vay margin, phí ứng trước tiền bán, thuế bán chứng khoán, phí lưu ký… Trong đó phí giao dịch chứng khoán, phí lãi vay margin và thuế bán chứng khoán chiếm tỷ trọng chủ yếu. Để dễ hiểu và hình dung cụ thể, dưới đây xin đưa ra ví dụ cụ thể để tính 3 loại thuế phí chính này:
Mục lục
Ví dụ ước tính các loại chi phí trong đầu tư chứng khoán:
Tài khoản nhà đầu tư X có 1 tỷ đồng tiền vốn; trong tài khoản chứng khoán đang sở hữu cổ phiếu HPG trị giá 2 tỷ đồng, đang sử dụng đòn bẩy tài chính margin ở mức 100% NAV (có 1 tỷ vay thêm 1 tỷ để mua cổ phiếu).
Hiện tại, nhà đầu tư X cho rằng cổ phiếu VCB tiềm năng hơn, nên bán hết 2 tỷ giá trị cổ phiếu HPG để mua 2 tỷ cổ phiếu VCB. Giả sử mức phí giao dịch nhà đầu tư phải trả là 0.15%, thì chi phí phải trả của nhà đầu tư là:
Ước tính các loại phí giao dịch và thuế bán chứng khoán
Phí giao dịch phải trả cho bán cổ phiếu HPG: 0.15%*2,000,000,000 = 3,000,000 VND (1)
Thuế bán chứng khoán: 0.1%*2,000,000,000 = 2,000,000 VND (2)
Phí giao dịch phải trả để mua cổ phiếu VCB: 0.15%*2,000,000,000 = 3,000,000 VND (3)
Tổng các loại phí thuế phát sinh khi giao dịch: (1) + (2) + (3) = 8,000,000 VND
Phần trăm tỷ lệ chi phí trên vốn đầu tư: 8,000,000/1,000,000,00 = 0.8%
Nếu mỗi tháng nhà đầu tư đổi danh mục 1 lần như vậy (1 vòng quay mua-bán/tháng), thì một năm ước tính phí giao dịch và thuế của tài khoản chứng khoán với vốn đầu tư 1 tỷ sẽ là:
8,000,000*12 = 96,000,000 VND (4) (tương ứng tỷ lệ 9.6%).
Phí lãi vay margin chứng khoán
Tiếp ví dụ ở trên, giả sử TH nhà đầu tư duy trì trạng thái vay margin của tài khoản 1/2 thời gian trong năm (6 tháng) và lãi vay margin là 12%.
Chi phí lãi vay margin: 12%/2*1,000,000,000 = 60,000,000. (5)
Tổng ước tính chi phí trong đầu tư chứng khoán phải trả trong TH này:
(4) + (5) = 156,000,000 VND ~ 15.6%/năm.
Mở rộng ví dụ trên, dưới đây là bảng ước tính chi phí trong đầu tư chứng khoán trong các trường hợp giả định vòng quay tài sản khác nhau khác nhau:
Một số lưu ý trong quản lý chi phí và thuế khi đầu tư chứng khoán
1. Giao dịch thường xuyên kết hợp đòn bẩy tài chính là “con dao 3 lưỡi”
Từ bảng phí ước tính, có thể thấy tổng chi phí phải trả có sự biến động rất lớn từ 0.3%/năm cho đến lớn hơn 25%/năm tùy thuộc vào cường độ giao dịch và mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính margin với 2 loại chi phí tương ứng.
Nhiều người coi sử dụng đòn bẩy tài chính và giao dịch mua bán thường xuyên như con dao “3 lưỡi”:
- Lưỡi 1 giúp gia tăng lợi nhuận nhiều lần khi ra quyết định mua bán đúng;
- Lưỡi 2 thì ngược lại phóng đại số thua lỗ tương đương khi phán đoán sai.
- Lưỡi 3 chính là gia tăng chi phí đầu tư phát sinh nhiều lần, bất kể giao dịch đúng hay sai.
2. Chiến lược đầu tư và sử dụng đòn bẩy margin thích hợp.
Trong một số giai đoạn thị trường giao dịch tích cực, việc áp dụng các chiến lược đầu tư và sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp tận dụng xu thế tăng giá và gia tăng lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, tuy nhiên việc xây dựng chiến lược đầu tư và sử dụng đòn bẩy như thế nào để thích hợp phụ thuộc rất nhiều vào nhận định chủ quan của chuyên viên đầu tư hay nhà đầu tư tại thời điểm đó.
3. Kiểm tra chi phí trong đầu tư chứng khoán thực tế trên tài khoản:
Trên kia là ước tính của Vnstockmarket, để xác định chi phí phát sinh cụ thể của tài khoản đầu tư của mình, nhà đầu tư có thể yêu cầu công ty chứng khoán sao kê lại chi tiết tiền/chi phí dịch vụ gửi qua gmail, hoặc một số phần mềm giao dịch của công ty môi giới cũng có sẵn chức năng sao kê các khoản chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch chứng khoán.
Chi tiết các loại chi phí và thuế phát sinh:
1. Phí giao dịch chứng khoán
Bảng phí giao dịch của công ty chứng khoán biến động hiện nay trong khoảng 0.1% đến 0.4%, trên bảng tính trên Vnstockmarket ước tính mức phí trung bình là 0.15%. Đây là mức phí trung bình hợp lý cho nhà đầu tư tự giao dịch, trường hợp nhà đầu tư sử dụng dịch vụ tư vấn từ nhân viên môi giới chứng khoán, mức phí này thường cao hơn, ở mức 0.2% – 0.3%.
Đây có thể nói là khoản tiêu tốn nhất của bảng ước tính chi phí trong đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư phải trả. Vậy nên chúng tôi luôn khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn công ty môi giới cơ mức phí này rẻ nhất.
2. Thuế bán cổ phiếu:
Thuế bán cổ phiếu phát sinh khi nhà đầu tư thực hiện lệnh bán cổ phiếu thành công (bất kể lỗ hay lãi), thuế này cũng trực tiếp trừ vào tiền của nhà đầu tư trong tài khoản, khi nhận tiền về từ lượng cổ phiếu vừa bán. Mức thuế này hiện nay được quy định ở mức 0.1% trên tổng giá trị cổ phiếu được bán.
3. Thuế cổ tức:
Phát sinh khi cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ thực hiện chia cổ tức bằng tiền hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Mức thuế hiện tại quy định 5% trên giá trị cổ tức nhận được.
4. Phí lưu ký chứng khoán:
Có thể tạm hiểu là phí trung tâm lưu ký thu để lưu trữ cổ phiếu giúp nhà đầu tư. Mức phí 0.27 VND/cổ phiếu. Đây là mức phí nhỏ không đáng kể, rơi khoảng trên dưới 0.01% giá trị danh mục đầu tư.
5. Chi phí lãi vay margin:
Chi phí lãy vay margin trong đầu tư chứng khoán phát sinh khi nhà đầu tư sử dụng dịch vụ vay tiền của công ty chứng khoán (thế chấp bằng cổ phiếu và tiền trên tài khoản) để tăng sức mua thêm cổ phiếu.
Tùy theo từng loại cổ phiếu và chính sách cho vay margin của các công ty chứng khoán, sức mua tăng thêm tối đa có thể lên tới 200%, tức nhà đầu tư có 1 tỷ có thể mua đến 3 tỷ giá trị cổ phiếu. Hiện tại tiền lãi margin ở các công ty chứng khoán trong khoảng 10-15%/năm.
Có thể thấy đây là khoản cần đặc biệt lưu ý, vì trong một số trường hợp tiền trả lãi margin còn cao hơn phí giao dịch trong bảng ước tính các phí đầu tư chứng khoán. Việc gia tăng sức mua nhờ đòn bẩy tài chính cũng gia tăng số lần các loại chi phí khác, bởi khối lượng của cổ phiếu giao dịch tăng tỷ lệ thuận theo.
6. Các loại phí khác:
6.1 Phí ứng tiền bán chứng khoán:
Sau khi bán chứng khoán nhà đầu tư cần chờ T+3 ngày để tiền chuyển về tài khoản. Nhưng nếu nhà đầu tư muốn mua chứng khoán luôn trong khi tài khoản không đủ tiền, công ty chứng khoán có thể cung cấp dịch vụ ứng tiền trước cho nhà đầu tư, dựa trên khoản tiền bán cổ phiếu sẽ về tài khoản sau T+3 ngày.
Mức phí thông thường được tính lãi ngang với lãi margin (~0.038%/ngày). Trong trường hợp người tham gia thị trường thường xuyên giao dịch ở cường độ cao mức phí này sẽ tăng lên đáng kể. Đặc biệt với trường hợp sử dụng margin cao sẽ dẫn đến tính trạng lãi margin chồng lãi tiền vay ứng trước.
6.2 Phí nộp rút tiền:
Phần nhiều công ty chứng khoán có sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng lớn, nên khi khách hàng nộp rút tiền từ tài khoản chứng khoán đến tài các ngân hàng thường được tính phí như chuyển tiền nội bộ ngân hàng. Trong trường hợp công ty chứng khoán không có tài khoản ngân hàng liên kết với ngân hàng giao dịch của nhà đầu tư, sẽ tính phí chuyển tiền liên ngân hàng thông thường.