Trong báo cáo của Techcombank ghi rõ bên liên quan, cụ thể là M_Service có thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Ban Lãnh đạo hoặc Ban kiểm soát là thành viên trong Hội đồng quản trị hoặc ban lãnh đạo hoặc ban kiểm soát của Ngân hàng.
Sau 2 năm oằn mình vì dịch COVID-19, thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 tiếp tục chịu tác động tiêu cực trong việc huy động vốn khi cả kênh phát hành trái phiếu và vay tín dụng ngân hàng đều bị kiểm soát chặt chẽ. Dù vậy, vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm nhìn chung vẫn tăng so với đầu năm.
Đầu tháng 4/2022, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp rúng động trước thông tin 9 đợt chào bán trái phiếu trị giá hơn 10,000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, do Công ty này đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Không lâu sau sự việc của Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính đã có động thái bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu, đồng thời yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.
Liệu đây có phải là động tác “siết” thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay không hiện vẫn còn được các chuyên gia bàn luận. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó lên thị trường là không thể bàn cãi khi không có bất kỳ đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào của doanh nghiệp diễn ra trong tháng 4 và tháng 6/2022, theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Bên cạnh trái phiếu, kênh huy động từ tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khăn. Trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong đó, NHNN cho rằng cần kiểm soát việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản cũng như các khoản vay phục vụ đời sống với giá trị lớn.
Dù động thái từ Bộ Tài chính và NHNN đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, tổng nợ vay của 93 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn tăng gần 24%, lên hơn 390 ngàn tỷ đồng, theo dữ liệu từ VietstockFinance.
Top 20 doanh nghiệp bất động sản có nợ vay tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance |
Xét về mức tăng, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) là doanh nghiệp dẫn đầu. Tại ngày 30/06/2022, Công ty có khoản nợ vay 200 tỷ đồng và đều từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB). Đầu năm, Công ty chỉ có 60 triệu đồng vay từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB).
Một số doanh nghiệp lớn khác như Vinhomes (HOSE: VHM) hay Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) cũng tăng đáng kể nợ vay sau 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, VHM tăng mạnh vay nợ ngân hàng cả ngắn và dài hạn. Tổng vay nợ ngân hàng của Công ty cuối tháng 6 là hơn 7,697 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần đầu năm. Ngoài ra, VHM còn phát sinh gần 12 ngàn tỷ đồng vay ngắn hạn từ đối tác với lãi suất 9%/năm (đáo hạn từ tháng 10/2022), trong khi đầu năm không có khoản này.
Ở KDH, vay nợ cũng tăng cao do ảnh hưởng từ các khoản vay ngân hàng. Tổng giá trị các khoản vay ngân hàng của KDH ghi nhận đến 5,394 tỷ đồng, gấp 2.6 lần đầu năm, trong đó có gần 1,388 tỷ đồng để tài trợ cho dự án Lê Minh Xuân mở rộng và Khu trung tâm dân cư Tân Tạo – Khu A.
Dù có nhiều doanh nghiệp tăng mạnh vay nợ, nếu xét về độ lớn thì những ông lớn như Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC), Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vay nợ của ngành.
Top 20 doanh nghiệp bất động sản có nợ vay nhiều nhất tính đến cuối tháng 6/2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance |
Với khối tài sản khổng lồ, VIC vẫn là doanh nghiệp có lượng vay nợ lớn nhất trong các doanh nghiệp bất động sản niêm yết với gần 157 ngàn tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong 6 tháng đầu, Công ty có 2 đợt phát hành trái phiếu quốc tế ước tính thu về 625 triệu USD, theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Liên quan đến phát hành trái phiếu quốc tế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, cổ đông DXG đã thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD cho nhà đầu tư nước ngoài, không kèm chứng quyền với tổng mệnh giá tối đa là 300 triệu USD.
Theo chia sẻ từ Chủ tịch Lương Trí Thìn, Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) hiện đã chốt được với đối tác nước ngoài. Dự kiến trong quý 2 và quý 3/2022 sẽ kết thúc quá trình phát hành trái phiếu. Ông cho hay, gói trái phiếu sẽ giải quyết được vấn đề lớn của Công ty, giúp phát triển các quỹ đất quy mô lớn. Đặc biệt, trái phiếu chuyển đổi cũng khá linh hoạt trong phương án sử dụng vốn.
Nhìn chung, dù tổng vay nợ của ngành sau 6 tháng đầu năm đã tăng lên, có thể thấy việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản đã dần trở nên khó khăn hơn khi chỉ một vài doanh nghiệp có thể tổ chức các đợt phát hành trái phiếu. Mặt khác, trong bối cảnh room tín dụng tại nhiều ngân hàng hiện nay đã gần “chạm đỉnh” thì cửa vốn huy động qua vay tín dụng cũng hẹp đi.
Hà Lễ / Vietstock
FILI