Dòng tiền trên thị trường trở nên e dè, nhiều động lực tăng giá cổ phiếu cũng nhanh chóng suy yếu, dẫn tới việc đưa một cổ phiếu mới lên sàn lại càng gặp thêm nhiều trở ngại.
Trái ngược với sự thăng hoa của giai đoạn 2 năm trước, những trồi sụt của thị trường chứng khoán trong năm 2022 đã khiến nhiều kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn buộc phải tạm dừng lại. Dòng tiền trên thị trường trở nên e dè, nhiều động lực tăng giá cổ phiếu cũng nhanh chóng suy yếu dẫn tới lượng mã chứng khoán ghi nhận mức giảm hàng chục phần trăm, giảm mạnh hơn cả tốc độ giảm của VN-Index lên tới con số hàng trăm.
Chính vì vậy, việc đưa một cổ phiếu mới lên sàn lại càng gặp thêm nhiều trở ngại. Kết quả là không ít doanh nghiệp đã phải tạm dừng và rút hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Nhiều kế hoạch chào sàn dang dở
Ngay tại thời điểm đầu năm nay, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (mã chứng khoán: CSI) đã thông qua việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu CSI tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Quyết định trên được đưa ra bởi thời điểm hiện tại đã cận kề kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, CSI cần thêm thời gian để tập trung hoàn thiện hồ sơ, khi các tài liệu liên quan được hoàn thành, công ty sẽ tiếp tục thực hiện. Khi đó, HoSE cho biết trong trường hợp Công ty nộp lại hồ sơ, HoSE sẽ thực hiện thẩm định lại từ đầu.
Sang đến giữa tháng 3/2022, CSI đã lần thứ hai nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên HoSE. Hai ngày sau, HoSE đã có thông báo về việc nhận hồ sơ, và cho tới hiện tại chưa có thêm thông báo mới về thủ tục niêm yết cổ phiếu CSI.
Trong khi đó diễn biến trên thị trường, tại thời điểm CSI lần thứ 2 nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, giá cổ phiếu sau đó đã liên tục bứt phá, tăng tới hơn 66% so với thời điểm đầu năm, lập đỉnh lịch sử 93.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 6/4. Tuy nhiên tới nay, thị giá CSI đang trong quãng downtrend về giá. Hiện kết phiên 12/7, thị giá CSI đạt 69.000 đồng/cp, tương ứng mất gần 26% sau hơn 3 tháng.
Còn về tình hình kinh doanh, quý 1 vừa qua, CSI ghi nhận doanh thu hoạt động gần 3,2 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, công ty lỗ sau thuế hơn 1 tỷ đồng trong khi quý 1/2021 chỉ lỗ hơn 490 triệu đồng.
Đến giữa tháng 5, HĐQT Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đã thống nhất việc gia hạn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đến năm 2025.
Lý do hoãn niêm yết được HĐQT doanh nghiệp đưa ra là điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, cổ phiếu LTG khi niêm yết trên sàn HOSE sẽ không thuận lợi.
Kế hoạch “chuyển sàn” của LTG vốn được đặt ra từ đại hội cổ đông năm 2018, dự kiến xong trong năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch này liên tiếp bị lùi. Trong lần gia hạn đầu tiên, một lãnh đạo giải thích nguyên nhân do công ty gặp khó về kinh doanh, đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi về môi trường buôn bán sản phẩm thuốc, gạo… Sang lần gia hạn tiếp theo, ban lãnh đạo công ty không giải thích trực tiếp mà chỉ cho biết, công ty tập trung định hướng tiếp tục tái cơ cấu các ngành chủ chốt. Như vậy so với kế hoạch dự tính ban đầu, LTG sẽ lùi thời hạn thêm 6 năm.
Còn hiện tại, cổ phiếu LTG sẽ tiếp tục giao dịch trên sàn UPCoM. Thị giá cổ phiếu này so với đầu năm 2022 gần như không có nhiều thay đổi, xoay quanh vùng 35.500 đồng/cp.
Bước sang năm 2022, Lộc Trời chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ 400 tỷ đồng, giảm khoảng 4,4% so với thực hiện năm ngoái. Riêng trong quý 1, doanh thu thuần đạt 2.345 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên về cơ cấu doanh thu có sự thay đổi vị trí giữa thuốc bảo vệ thực vật và lương thực, doanh thu từ mặt hàng lương thực lại trở thành nguồn thu chủ lực với mức tăng trưởng tới 95,5% so với cùng kỳ. Kết quả LTG lãi sau thuế 184 tỷ đồng tương đương kết quả đạt được của cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành được 46% kế hoạch lợi nhuận.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, CTCP Sơn Á Đông (mã chứng khoán: ADP) đã xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết đã nộp tại HoSE.
Cuối tháng 10/2021, Sơn Á Đông nộp hồ sơ niêm yết 23 triệu cổ phiếu trên HOSE. Sau đó vào đầu năm 2022, công ty đã nhận được công văn của HOSE về việc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết. Tuy nhiên, theo Công ty, để kiện toàn hồ sơ cần thiết theo quy định của HOSE, Công ty xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên HOSE và tiếp tục đăng ký niêm yết sau khi công ty hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.
Theo tìm hiểu, Sơn Á Đông là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm sơn trang trí và xây dựng, được thành lập từ 1970 tại TP HCM. Cổ phiếu ADP đang được giao dịch tại thị trường UPCoM, kết phiên 13/7 đạt 24.100 đồng/cp, giảm nhẹ 4% so với đầu năm.
Gần đây nhất, Tổng công ty xây dựng số 1 (mã chứng khoán: CC1) đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua hủy bỏ hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên HoSE. HĐQT cho biết sẽ chọn thời điểm thích hợp trong năm nay để triển khai lại việc đăng ký niêm yết cổ phiếu và thông báo với cổ đông.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 5, cổ đông đã thông qua phương án chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu CC1 tại UPCoM và sang niêm yết tại HoSE. Vào ngày 7/6, HĐQT công ty thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu.
Như vậy, sau hơn 1 tháng triển khai, ban lãnh đạo CC1 đã quyết định hủy hồ sơ và sẽ lựa chọn thời điểm khác trong năm nay để tiến hành.
Trên thị trường, cổ phiếu CC1 diễn biến không mấy khả quan. Vào thời điểm kế hoạch chuyển sàn được công bố, thị giá CC1 liên tục bứt phá, lập đỉnh lịch sử 38.000 đồng/cp (phiên 13/5). Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu CC1 quay đầu vào quãng trượt dài, kết phiên 13/7 giảm 0,6% xuống 17.100 đồng/cp, tương ứng giảm gần 60% chỉ sau 2 tháng.
Thị giá CC1 giảm gần 60% chỉ sau 2 tháng.
Được biết, Tổng công ty xây dựng số 1 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, năng lượng và hạ tầng với 43 năm phát triển. Vốn điều lệ đạt 3.197 tỷ đồng. Về tình hình kinh doanh, quý 1 năm nay, doanh nghiệp ghi nhận 1.175 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%; lãi ròng 18 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.
Không chỉ nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu, nhiều phương án phát hành thêm cổ phần nhằm huy động vốn cũng gặp muôn vàn trở ngại. Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều giảm giá sâu khiến hoạt động tăng vốn trở nên khó khăn khi nguồn cung cổ phiếu tăng cao nhưng phía cầu lại không có lực đối ứng.
Có thể kể tới như Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (mã chứng khoán: HDC) đã quyết định tạm hoãn việc phát hành 8,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá tối thiểu 100.000 đồng/cổ phiếu. Khi kế hoạch chào bán được công bố, thị giá HDC giao dịch trong ngưỡng 104.000 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh khoảng 83.000 đồng/cp). Tuy nhiên đến nay, giá cổ phiếu HDC rơi vào nhịp chỉnh sâu, mất tới khoảng 65% sau 3 tháng giao dịch, thậm chí rơi về vùng đáy giá 29.750 đồng/cp (phiên 21/6) trước khi phục hồi nhẹ trong vài phiên trở lại đây lên mức 41.550 đồng/cp.
Không chỉ hoãn, trong bối cảnh thị giá lao dốc mạnh khi loạt lãnh đạo rơi vào vòng lao lý, Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) đã công bố hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ được thông qua từ kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 11/2021.
Theo lý giải của ông Ngô Thục Vũ, Tổng giám đốc TGG, thời điểm đưa ra kế hoạch phát hành riêng lẻ thị trường chứng khoán giao dịch sôi động, tuy nhiên đến nay đã có sự thay đổi. Đồng thời, mục đích sử dụng vốn cũng như biến động giá cổ phiếu không còn phù hợp với phương án ban lãnh đạo xây dựng trước đó.
Thậm chí có doanh nghiệp quyết tâm phát hành nhưng lượng cổ phần được phân phối chưa tới 1% quy mô đợt chào bán như Chứng khoán Trí Việt (Mã chứng khoán: TVB). Cụ thể, trong tháng 4, TVB đã tiến hành chào bán 112 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng. Tuy nhiên theo báo cáo kết quả đợt chào bán mới công bố, công ty chỉ có đạt tỷ lệ thành công 0,07%, tương ứng chỉ gần 82.000 cổ phiếu được đăng ký mua, số tiền ròng Trí Việt thu được từ đợt phát hành chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán liên tục trải qua giai đoạn bán tháo từ đầu năm 2022 tới nay. Điều này một phần đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cá nhân sau những nhịp chỉnh sâu, cộng thêm bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế và kinh tế – vĩ mô toàn cầu ẩn chứa nhiều rủi ro. Song, khó khăn trong ngắn hạn không thể phủ nhận triển vọng dài hạn lạc quan của chứng khoán Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn ngay cả khi không còn môi trường tiền rẻ. Dù vậy, nhà đầu tư cần thích nghi để tránh tổn thất trong những giai đoạn thị trường hóa gấu.
Theo Nhịp sống kinh tế