Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, vừa có một số nhận định về tình hình nửa cuối năm 2022, trong đó đề cập đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như xu hướng phát triển “xanh” trong tương lai.
Là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, Việt Nam được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau COVID-19. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.
Tuy nhiên, những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng tác động không ít đến Việt Nam bởi nền tảng sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, 94% kim ngạch nhập khẩu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ đây, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ là cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
FDI tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam – một trong hai thành viên nổi bật nhất trong ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP, cho thấy mức độ thu hút của quốc gia ngày một tăng lên. Những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.
Từng bước tiến vững chắc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử, thu hút FDI ổn định nhờ những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh, chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động giá rẻ, năng suất dồi dào.
Bên cạnh đó, thu hút FDI cũng nên đi đôi với tính bền vững. Nhiều bài học trên thế giới đã cho thấy tăng trưởng sản xuất nhanh chóng mà không đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ để lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại COP26, những yếu tố bền vững càng được quan tâm hơn, ví dụ như Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ VASI cũng đề xuất kiểm soát chất lượng FDI, trong đó công nghệ đưa vào Việt Nam không được phép là công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng không tái tạo, hủy hoại môi trường.
FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững hơn và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh” thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa Chiến lược này, Chính phủ xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho các ngành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh… Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0.46% so với năm 2020. Theo HSBC, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính xanh còn rất rộng lớn.
Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh, tận dụng sự quan tâm của thị trường vốn với khẩu vị của nhà đầu tư đang theo chiều hướng có lợi. Hiện tại, vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo, vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh để tài trợ trên cơ sở dự án và môi trường pháp lý và luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn. Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia.
Theo Đức Đỗ / Vietstock