M&A là gì

M&A là gì?

M&A là viết tắt của cụm từ tiếng anh Merger and Acquisition, dịch theo ngôn ngữ đầu tư – tài chính, có nghĩa là sáp nhập và mua lại, thường được sử dụng cho các thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần của các doanh nghiệp.

M&A là một cách quan trọng để doanh nghiệp phát triển quy mô:

Có 2 cách chính để một doanh nghiệp phát triển về quy mô:

  1. Tăng trưởng nội tại (Organic growth)
  2. Tăng trưởng nhờ M&A.

Yếu tố tăng trưởng nội tại (Organic growth) đến từ chính sự tăng trưởng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hiện tại, hay sự mở rộng thành công từ các dự án kinh doanh mới.

Yếu tố tăng trưởng M&A đến từ việc mua lại, thâu tóm hay đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp khác, giúp tăng quy mô kinh tế và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường.

M&A con đường nhanh chóng giúp doanh nghiệp trở thành người khổng lồ?

Tăng trưởng nội tại là cách tăng trưởng giúp doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh và chắc chắn nhất. Nhưng giới hạn tăng trưởng của doanh nghiệp ở một thị trường thường có giới hạn bão hòa với các sản phẩm của mình. Ngay cả những tập đoàn kinh tế lớn với nguồn lực dồi dào và đội ngũ chuyên gia R&D mạnh bậc nhất thị trường, đôi khi cũng bế tắc để mở rộng thêm thị phần của chính mình.

M&A là một trong những cách giải quyết vấn đề bế tắc đó, bằng cách mua lại, đầu tư, hay thậm chí “hòa mình” vào với đối thủ để mở rộng thị phần, “mở khóa” nút thắt tăng trưởng.

Lợi ích của việc M&A doanh nghiệp:

Lợi ích của M&A doanh nghiệp

Lợi ích M&A doanh nghiệp rất rõ ràng, có thể là:

  • Gia nhập các thị trường mới,
  • Tiếp cận công nghệ, bí quyết (know-how), nguồn nhân lực mới.
  • Lợi ích quy mô kinh tế (economics of scale)
  • Loại bỏ đối thủ trên thị trường
  • Tạo lợi ích sức mạnh tổng hợp (synergy) cho eco-system của doanh nghiệp

Tuy nhiên việc M&A cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, nếu thương vụ không thành công như kỳ vọng:

  • Giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh – đầu tư của tập đoàn,
  • Tăng rủi ro quản trị doanh nghiệp – Tăng quy mô doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh
  • Tăng rủi ro cấu trúc vốn kinh doanh – Vay nợ để tài trợ đầu tư M&A

Các hình thức M&A cơ bản:

M&A theo chiều dọc (vertical M&A): Mua bán, sáp nhập hoặc đầu tư một doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực, ngành hay thị trường tương đồng với doanh nghiệp hiện tại. Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất đồ uống mua lại một công ty sản xuất sản xuất nước tăng lực.

M&A theo chiều ngang (horizontal M&A): Mua bán, sáp nhập hoặc đầu tư một doanh nghiệp khác có hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực, ngành cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, hoặc đầu ra cho cho nghiệp hiện tại. Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất thép mua lại doanh nghiệp khai thác quặng thép.

Không có thống kê nào chính thức về tỷ lệ thành công của các thương vụ M&A, tuy nhiên theo quan sát giới hạn của cá nhân tác giả, số lượng và mức độ thành công của các deal M&A ở Việt Nam thất bại nhiều hơn thành công. Lý do rất đa dạng, đứng từ phía bên mua (buy-side) có thể do:

  • Thiếu chiến lược M&A cụ thể,
  • Thiếu rằng buộc trách nhiệm bên bán trong và sau quá trình M&A,
  • Bất cân đối thông tin với bên Bán (sell-side)
  • Quá tự tin và trả giá quá cao (aggressive M&A)
  • Hợp đồng M&A thiếu chặt chẽ, điều khoản rằng buộc cần thiết, hoặc lựa chọn luật, trọng tài kinh tế không phù hợp.

Doanh nghiệp nên làm gì trước khi tiến hành M&A doanh nghiệp khác:

Lựa chọn doanh nghiệp M&A phù hợp

Hiểu rõ bản thân trước khi xây dựng chiến lược M&A.

Cổ nhân có câu “Biết mình biết người trăm trận, trăm thắng; biết mình không biết người trận thắng trận thua”, còn trong M&A doanh nghiệp, tác giả cho rằng nếu doanh nghiệp không biết mình dù có biết người đến mấy thì khả năng cao vẫn toàn thua.

Doanh nghiệp là một thực thể phức tạp, và M&A doanh nghiệp giống như việc… cưới vợ. Nếu chỉ đơn thuần xem xét mua lại một công ty với góc độ đầu tư (công ty có thể sinh lời tốt nhất với mức giá phù hợp nhất) thì không khác việc chọn lấy một cô gái xinh đẹp, giỏi giang nhất với mức sính lễ cưới vừa túi tiền. Cuộc hôn nhân đó rất có thể “không hạnh phúc” hoặc dễ đổ vỡ vì không phù hợp, không tương thích về sau. Những vấn đề cơ bản doanh nghiệp cần xác định:

  • Vị thế có bản của doanh nghiệp hiện tại
  • Đặc điểm mô hình kinh doanh
  • Chiến lược phát triển kinh doanh,
  • Năng lực và phương án tài chính tài trợ

Xây dựng chiến lược M&A phù hợp

Xây dựng chiến lược M&A phù hợp và nhất quán với chiến lược đó rất quan trọng. Cấu trúc ra quyết định M&A cũng nên được xem xét M&A một doanh nghiệp nên được xem xét tổng thể bởi hội đồng đầu tư. Như vậy sẽ giúp chiến lược M&A được tuân thủ tính nhất quán dễ dàng hơn.

Top 10 thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam năm 2021

Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn FE Credit

VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản - Baodautu

 

Ngày 28/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông báo chính thức về việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), đơn vị thành viên của tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản – Sumitomo Mitsui Group.

Trước đó, hồi tháng 4, VPBank và SMBCCF đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn. Như vậy hai bên cần tới 6 tháng để hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết cho thương vụ tiêu biểu nhất năm 2021.

Với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Trong đó, VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit và 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

VPBank kỳ vọng việc giảm bớt gần một nửa cổ phần tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác.

Trong khi đó, ngoài khoản đầu tư được “đồn đoán” là hơn 1,4 tỷ USD để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong khu vực, SMBCCF cũng đem đến cho FE Credit nhiều động lực phát triển khác, đơn cử bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

Được biết, Sumitomo Mitsui Group là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, có tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu và hiện diện tại trên 40 quốc gia.

Sau khi thương vụ M&A này kết thúc, VPBank cho biết đã đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

SHB chuyển nhượng toàn phần công ty tài chính cho ngân hàng Thái Lan

SHB sẽ bán SHB Finance cho một ngân hàng Thái Lan - VnExpress
SHB bán SHB Finance cho một ngân hàng Thái Lan – VnExpress

Cuối tháng 8, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã có nghị quyết chấp thuận và phê duyệt việc bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho phía đối tác “người Thái” là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri).

Mặc dù giá trị thương vụ không được SHB công bố, song truyền thông nước ngoài đã tiết lộ số tiền mà Krungsri cần chi là khoảng 5,1 tỷ baht, tương đương khoảng 156 triệu USD, khoảng hơn 3.500 tỷ đồng.

SHB cho biết, thỏa thuận này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của ngân hàng, cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Việc hoàn tất bán công ty tài chính cho đối tác ngoại là một trong những kế hoạch của SHB trong năm.

Được biết, SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do SHB sở hữu 100% vốn. Tiền thân của SHB Finance là công ty tài chính Vinaconex Viettel. Trong khi đó, Krungsri là ngân hàng lớn thứ 5 tại Thái Lan và cũng là thành viên chiến lược của MUFG Group, tập đoàn đến từ Nhật Bản.

MUFG là cái tên không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam, tập đoàn này là cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX

Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào công ty con của  Masan - Brandvietnam
Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào công ty con của Masan – Brandvietnam

Trung tuần tháng 6, Masan Group công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD. Việc ký kết giao dịch này được công bố lần đầu tiên vào ngày 18/5/2021.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2,1 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Trong khuôn khổ giao dịch này, VinCommerce sẽ thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Lazada, nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada và hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử…

Được biết, Baring Private Equity Asia (BPEA) là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á, hiện quản lý danh mục tài sản trị giá 23 tỷ USD. BPEA quản lý hoạt động đầu tư cổ phần chưa niêm yết tài trợ cho các khoản mua lại và cung cấp vốn tăng trưởng cho các công ty, giúp các công ty này mở rộng quy mô hoặc thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

SK Group đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce

Tập đoàn SK của Hàn Quốc đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce - Bnews
Tập đoàn SK của Hàn Quốc đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce – Bnews

Trước khi thương vụ Alibaba và Baring Private Equity Asia diễn ra, đầu tháng 4, SK Group (Hàn Quốc) và Masan Group cũng ký kết thuận về việc SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.

Ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group, cho biết: “Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online – offline (O2O) tại Việt Nam và kỳ vọng VinCommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ.

“Thật tự hào khi Masan Group đã xuất sắc cải thiện vận hành và lợi nhuận chuỗi bán lẻ này trong thời gian ngắn ngủi. Chúng tôi tin rằng VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai.

Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Một lần nữa, đây là giao dịch mang tính bước ngoặt đối với SK, tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Masan Group và Việt Nam”, ông Woncheol Park nhấn mạnh..

Thaco mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam

THACO của tỷ phú Trần Bá Dương hủy công ty đại chúng, đặt chân vào mảng bán lẻ - VTC news
THACO đặt chân vào mảng bán lẻ – VTC news

Ngày 9/10, Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) và Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam. Trước đó, ngày 25/5, hai bên đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để Thaco tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam.

Đến ngày 27/9, các bên đã hoàn tất giao dịch và Thaco chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam. Theo tờ Korean Times của Hàn Quốc, việc Tập đoàn Emart bán toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Thaco là do doanh nghiệp đã thất bại trong việc mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á cho dù đã nỗ lực rất nhiều.

Sau khi thương vụ hoàn tất, siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam theo mô hình nhượng quyền và Tập đoàn Emart sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco. Với thỏa thuận này, Emart kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên 10 siêu thị tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.

Trong khuôn khổ hợp tác, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Còn Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới,… Dự kiến doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020.

Ngân hàng Nhật Mizuho chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo

Nhà đầu tư Nhật chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo | Báo Dân trí
Nhà đầu tư Nhật chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo | Báo Dân trí

Mới đây, theo thông tin từ Nikkei, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản dự kiến chi tới 20 tỷ yên (170 triệu USD) để mua lại 7,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service), đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo.

Cũng theo Nikkei, Mizuho dự kiến tiến hành thỏa thuận trong tháng 12 này nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của M-Service.

Nikkei nhận định Mizuho đã bị tụt hậu so với các đối thủ trong chính sách đầu tư ra nước ngoài, do đó ngân hàng này đang bắt đầu tích cực đầu tư vào các thị trường tiềm năng ở châu Á.

Trước đó, năm 2011, Mizuho đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Việc đầu tư vào M-Service được kỳ vọng là sẽ giúp cả Vietcombank và MoMo tăng cường hợp tác trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai.

Ngân hàng Nhật Bản cũng đặt mục tiêu trở thành một “tay chơi” lớn trong lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á khi dân số và nền kinh tế của khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Được thành lập vào năm 2007, M-Service hiện đang vận hành ứng dụng thanh toán MoMo, được hơn 23 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Tập đoàn này đang cố gắng biến MoMo thành một siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập vào nhiều dịch vụ, tận dụng hơn 50% thị phần của mình.

Kido bỏ ra hơn 1.250 tỷ đồng mua 44,2 triệu cổ phần Vocarimex từ tay SCIC

KIDO chi gần 1.256 tỷ đồng để mua trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu của Voricamex - Bao Dau Tu
KIDO chi gần 1.256 tỷ đồng để mua trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu của Voricamex – Bao Dau Tu

Tháng 11, Tập đoàn Kido đã mua thành công hơn 44,2 triệu cổ phần Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán đấu giá.

Mức giá trúng đấu giá của Kido là 28.400 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị giao dịch hơn 1.255 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn thị giá của Vocarimex trên thị trường chứng khoán khoảng 22%.

Như vây, Kido chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex từ 51% lên 87,29%, ngược lại, SCIC rời ghế cổ đông của công ty dầu này sau nhiều lần thoái vốn bất thành.

Được biết, việc thoái vốn nhà nước tại Vocarimex là nút thắt trong thương vụ sáp nhập Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) vào Tập đoàn Kido. Chủ trương sáp nhập vào công ty mẹ đã được Dầu Tường An trình ĐHCĐ thường niên vào hồi giữa năm 2020, tuy nhiên đại hội lại không thể giải quyết được nội dung này.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Dầu Tường An, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết việc sau khi Vocarimex thoái xong vốn nhà nước, Dầu Tường An sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường về việc sáp nhập vào Kido.

Như vậy, việc Kido mua thành công hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC từ SCIC dự kiến mở lối cho một thương vụ sáp nhập mới trong thời gian tới.

Tham khảo dịch vụ tư vấn M&A của chúng tôi tại đây.

Theo: Vnstockmarket & Vietnamfinance

Similar Posts