thị trường chứng khoán

1. Thị trường chứng khoán là gì?

  • Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động phát hành, trao đổi mua bán các loại chứng khoán. Việc trao đổi, mua bán chứng khoán được diễn ra trên thị trường chứng khoán làm thay đổi chủ sở hữu chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời hoặc mục đích sở hữu hay điều hành doanh nghiệp.
  • Thị trường chứng khoán không giống như các thị trường trao đổi hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa được giao dịch trên thị trường chứng khoán bao gồm:

          + Chứng khoán vốn: Cổ phiếu

          + Chứng khoán nợ: Trái phiếu

          + Chứng chỉ quỹ đầu tư

          + Chứng khoán phái sinh: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, …

2. Vai trò của thị trường chứng khoán

  • Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế: Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty hoặc chính phủ phát hành thì họ đã sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn xã hội và qua đó góp phần mở rộng sản xuất. Thông qua thị trường chứng khoán, chính phủ cũng huy động được nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu chính phủ để huy động các nguồn vốn từ người dân để sử dụng cho mục đích đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ các nhu cầu chung của toàn xã hội.
  • Cung cấp môi trường đầu tư và là một kênh sinh lợi hiệu quả: Thị trường chứng khoán cung cấp cho các nhà đầu tư một môi trường đầu tư lành mạnh, có sự quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan Nhà nước và có nhiều cơ hội lựa chọn các loại chứng khoản khác nhau. Đồng thời thị trường chứng khoán cũng là một kênh sinh lợi hiệu quả cho nhà đầu tư tham gia với mục đích chủ yếu là “mua đi, bán lại” chứng khoán nhằm mục đích sinh lời.
  • Tạo tính thanh khoản cho thị trường: Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch mua, bán chứng khoán tức là chuyển đổi các chứng khoán đang nắm giữ thành tiền mặt hoặc thành các chứng khoán khác và ngược lại. Từ đó tạo nên tính thanh khoản cho các chứng khoán và cho thị trường. Thị trường chứng khoán càng “năng động”, các giao dịch mua, bán diễn ra càng nhiều thì tính thanh khoản của thị trường càng cao. Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  • Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp khi muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phải đạt được các yêu cầu do Ủy ban chứng khoán nhà nước quy định, trong đó có một yêu cầu bắt buộc là phải công khai báo cáo tài chính các kỳ và các chỉ số tài chính tương ứng. Nhà đầu tư có thể căn cứ vào các thông tin mà doanh nghiệp công bố để đánh giá được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từng kỳ, từ đó có thể đánh giá được hoạt động của các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và cả thị trường theo từng thời kỳ.
  • Tạo môi trường giúp cho chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô: Các chỉ số trên thị trường chứng khoán giúp cho chính phủ các nước có thể đánh giá được phần nào đó của nền kinh tế trong và ngoài nước để từ đó đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp. Đồng thời, qua thị trường chứng khoán, chính phủ các nước cũng thực hiện các phương pháp điều tiết kinh tế như mua hoặc bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp ngân sách nhà nước và quản lý lạm phát.

3. Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán

  • Nguyên tắc cạnh tranh tự do
  • Nguyên tắc công khai
  • Nguyên tắc mua bán qua trung gian
  • Nguyên tắc đấu giá: bao gồm 2 hình thức đấu giá là:

       + Đấu giá trực tiếp: các nhà môi giới gặp nhau trên thị trường và trực tiếp đấu giá

       + Đấu giá gián tiếp (đấu giá tự động): các nhà môi giới thực hiện các lệnh mua, bán chứng khoán trên sàn giao dịch, nhập lệnh vào hệ thống máy chủ của Sở giao dịch chứng khoán và hệ thống máy chủ này sẽ tự động xác định các mức giá phù hợp sao cho tại mức giá này, khối lượng giao dịch là lớn nhất.

4. Phân loại thị trường chứng khoán

Có nhiều cách phân loại thị trường chứng khoán, tùy thuộc vào các thuộc tính của thị trường. Sau đây là một số cách phân loại thị trường chứng khoán:

a) Căn cứ vào sự luân chuyển vốn

  • Thị trường chứng khoán sơ cấp (Primary market) là thị trường cung cấp vốn cho nhà phát hành, tại đây các chứng khoán được phát hành và bán cho những người mua đầu tiên.
  • Thị trường chứng khoán thứ cấp (Secondary market) là thị trường dành cho những nhà đầu tư mua đi, bán lại những chứng khoán đã phát hành trước đó. Tại đây, các nhà đầu tư mua bán, trao đổi những chứng khoán đã phát hành nhằm mục đích kiếm lời, di chuyển vốn đầu tư hay di chuyển tài sản xã hội.

b) Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường

  • Thị trường chứng khoán tập trung : tại Sở giao dịch chứng khoán, các giao dịch được tập trung tại một địa điểm, các lệnh được chuyển tới sàn giao dịch và tham gia vào quá trình ghép lệnh mua và bán để khớp lệnh, hình thành các giao dịch. Tại thị trường chứng khoán tập trung thì chỉ có các chứng khoán đủ tiêu chuẩn mới được giao dịch.
  • Thị trường chứng khoán phi tập trung ( thị trường OTC – Over the Counter market ): là thị trường có tổ chức dành riêng cho những chứng khoán không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Thị trường chứng khoán OTC không có địa điểm giao dịch cố định, chính thức mà do các nhà môi giới hết nối người mua và người bán qua mạng máy tính giữa các công ty chứng khoán và trung tâm quản lý hệ thống.

c) Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường chứng khoán

  • Thị trường cổ phiếu: giao dịch mua bán các loại cổ phiếu: cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi.
  • Thị trường trái phiếu: giao dịch mua bán các loại trái phiếu đã phát hành bào gồm: trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp,…
  • Thị trường chứng khoán phái sinh: giao dịch mua bán các công cụ chứng khoán phái sinh như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn….

Trên đây là những hiểu biết của vnstockmarket.com về thị trường chứng khoán, mong những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư khi bắt đầu tìm hiểu và tham gia thị trường này.

Công Hưng

Similar Posts