chỉ số EV/EBITDA

1. Chỉ số EV/EBITDA là gì?

      Chỉ số EV/EBITDA là một chỉ số tài chính trong phân tích cơ bản doanh nghiệp, được sử dụng để xác định xem doanh nghiệp hiện có giá trị trên thị trường cao hay thấp hơn so với giá trị thực của nó.

     Chỉ số này được xác định bởi công thức:

CT tinh EV.EBITDA

Trong đó:

EV = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ – Tiền và các khoản tương đương tiền

EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay + Khấu hao

Vốn hóa thị trường = Số lượng CP lưu hành bình quân x Giá CP tại thời điểm định giá

Tổng nợ = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn

Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận sau thuế + thuế TNDN

Ví dụ: Doanh nghiệp A có kết quả kinh doanh năm 2020: Lợi nhuận sau thuế là 14.000 triệu đồng, thuế TNDN là 3.000 triệu đồng, lãi vay và khấu hao trong kỳ lần lượt là 1.000 và 2.000 triệu đồng. Theo bảng cân đối kế toán, Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 22.000 triệu đồng, Tiền và các khoản tương đương tiền là 2.000 triệu đồng. Biết rằng tại thời điểm định giá, doanh nghiệp có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành với giá bán 50.000 đ/CP

Vốn hóa thị trường = 2 x 50.000 = 100.000 triệu đồng

EV =  100.000 + 22.000 – 2.000 = 120.000 triệu đồng

EBITDA = 14.000 + 3.000 + 1.000 + 2.000 = 20.000  triệu đồng

EV/EBITDA = 120.000 / 20.000 = 6

2. Ý nghĩa của chỉ sổ EV/EBITDA

  • Chỉ số EV/EBITDA rất hữu ích cho nhà đầu tư khi so sánh các doanh nghiệp vì nó bỏ qua tác động gây nhiễu của chính sách thuế, lãi suất của từng quốc gia. Đồng thời chỉ số  này cũng loại bỏ sự thay đổi trong cơ cấu vốn và khấu hao, qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn khi các doanh nghiệp có cấu trúc vốn khác nhau và ngành nghề kinh doanh khác nhau.
  • Chỉ số EV/EBITDA là chỉ số tài chính phổ biến, được sử dụng trong định giá doanh nghiệp và phân tích hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này giúp cho nhà đầu tư xác định được tại thời điểm định giá, doanh nghiệp đối tượng đang có giá trị thị trường cao hay thấp hơn giá trị thực của nó. Nếu chỉ số EV/EBITDA thấp thì chứng tỏ rằng thị trường đánh giá thấp giá trị của doanh nghiệp, còn nếu chỉ số này cao thì cho thấy rằng thị trường đang đánh giá cao giá trị của doanh nghiệp đấy.
  • Chỉ số EV/EBITDA của doanh nghiệp thấp là cơ hội để các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu doanh nghiệp.

3. Các bước định giá cổ phiếu thông qua chỉ số EV/EBITDA

Bước 1: Chọn ngành có doanh nghiệp đối tượng cần phân tích

Bước 2: Chọn các doanh nghiệp trong ngành có các yếu tố tương đồng

Bước 3: Thống kê các dữ liệu tài chính như doanh thu, lợi nhuận trước thuế, EBITDA, EPS, tổng nợ, Tiền và các khoản tương đương tiền, … của các doanh nghiệp trong vòng 3-5 năm

Bước 4: Tập hợp các dữ liệu mang yếu tố thị trường như: thị giá cổ phiếu, số lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân trong thời điểm thích hợp của kỳ báo cáo tài chính

Bước 5: Tính EV và EBITDA của mỗi công ty và trung bình ngành

Bước 6: Tính chỉ số EV/EBITDA từng năm của mỗi công ty và trung bình ngành

Bước 7: So sánh các doanh nghiệp, chọn doanh nghiệp phù hợp với chỉ số hợp lý

Một hạn chế của việc định giá cổ phiếu thông qua chỉ số EV/EBITDA là chỉ tiêu EBITDA chưa phản ánh hết các yếu tố về dòng tiền hay sự chênh lệch lãi vay. Ngoài ra, chất lượng lợi nhuận trên báo cáo tài chính có thể chưa phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến sự sai lệch của chỉ số EV.EBITDA. Do vậy, nhà đầu tư nên kết hợp với các phương pháp định giá khác để có cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp đối tượng và cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Công Hưng

Similar Posts