trái phiếu doanh nghiệp

Trong trường hợp các tình trạng tài chính của doanh nghiệp không quá biến động, lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thường ổn định với hai nguồn chính là lãi coupon và giá trị tiền vay gốc. Ở bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu các nguồn Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu và tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp.

Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đến từ đâu?

Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đến từ hai nguồn chính: lãi mà các công ty trả cho trái chủ và chênh lệch giá trái phiếu trên thị trường.

  • Lãi nhận từ các công ty phát hành trái phiếu

Trái phiếu là loại chứng khoán nợ, xác nhận nghĩa vụ nợ của chủ thể phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu (trái chủ) đối với một khoản tiền cụ thể và khoản lãi suất kèm theo.

Thực chất, công ty phát hành trái phiếu chính là ghi nhận một khoản nợ nhất định tương ứng với mệnh giá của trái phiếu đó để có vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, và sau một thời điểm được xác định trước trong tương lai công ty phát hành phải cho người sở hữu trái phiếu cả gốc và lãi của khoản nợ đó. Lãi của khoản vay (lợi tức của trái phiếu) đó phụ thuộc vào lãi suất được quy định trên tờ trái phiếu.

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp thường có các loại lãi suất sau:

+ Lãi suất cố định: Lợi tức của trái phiếu được xác định theo tỷ lệ phần trăm cố định tính theo mệnh giá

Lợi tức 1 trái phiếu = Mệnh giá trái phiếu x lãi suất cố định (%) x thời gian

+ Lãi suất biến đổi (thả nổi): Lợi tức trái phiếu được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được điều chỉnh theo một tham chiếu.

Ví dụ: Trái phiếu quy định trả lợi tức hàng tháng theo lãi suất bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng Vietcombank cộng thêm 2%. Như vậy thì lợi tức của 1 trái phiếu mà trái chủ nhận được tại thời điểm tháng 12.2021 được xác định là

Mệnh giá trái phiếu x (lãi suất tiền gửi 12 tháng Vietcombank tại thời điểm tháng 12/2021 + 2% )

+ Lãi suất bằng 0: đây là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lợi tức nhưng lại được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn. Đây có thể coi như là một khoản vay nhưng người vay phải trả toàn bộ khoản lãi tại thời điểm vay.

  • Chênh lệch giá bán – giá mua của trái phiếu trên thị trường

Cũng giống như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp cũng được mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khoản chênh lệch giữa giá bán và giá mua cũng được coi là khoản lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu, và rất được các nhà đầu tư quan tâm chú ý.

Một điểm giống với cổ phiếu nữa là giá bán trái phiếu của một doanh nghiệp trên thị trường “thứ cấp” này phụ thuộc vào cung – cầu của thị trường và ít nhiều cũng phụ thuộc vào uy tín và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đó tại từng thời điểm.

Nếu mà doanh nghiệp phát triển tốt, thì khả năng khả năng trả nợ của doanh nghiệp cao, giá bán của trái phiếu có xu hướng tăng. Ngược lại nếu doanh nghiệp phát triển không tốt, làm ăn thua lỗ, thì khả năng trả nợ thấp dẫn tới giá của trái phiếu sẽ dễ bị sụt giảm. Chỉ khác một điều, khối lượng giao dịch trái phiếu trên thị trường thường nhỏ hơn khối lượng giao dịch các cổ phiếu. Vì vậy, độ thanh khoản của trái phiếu thường thấp hơn so với cổ phiếu.

Tiêu chí lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

lợi nhuận trái phiếu doanh nghiệp

Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu thường ổn định hơn các chứng khoán khác là một nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư trái phiếu nhưng vẫn chưa đủ. Khi lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau:

+ Lựa chọn thời điểm để mua trái phiếu căn cứ vào chu kỳ chứng khoán. Khi chu kỳ này bùng nổ thì cổ phiếu là loại chứng khoán được xét tới đầu tiên do lợi nhuận cao. Nhưng khi chu kỳ này suy thoái thì nhà đầu tư thường quan tâm hơn đến loại chứng khoán mang tính ổn định về lợi nhuận như trái phiếu.

+ Đánh giá rủi ro từ công ty phát hành. Trước khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên tìm hiểu các thông tin vể chủ thể phát hành như vị thế của doanh nghiệp trong ngành, khả năng tài chính, uy tín của ban quản trị,…

+ Cân bằng giữa rủi ro và lãi suất. Thông thường thì lãi suất cao sẽ đi cùng rủi ro cao. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải dựa vào các yếu tố như thị trường, khả năng phát triển của ngành, của doanh nghiệp, … để lựa chọn trái phiếu các công ty có lãi suất cao nhưng rủi ro cao hay những công ty có lãi thấp nhưng đỡ rủi ro hơn.

+ Cân nhắc thời hạn của trái phiếu. Tùy theo lượng tiền nhàn rỗi và kế hoạch tài chính trong tương lai mà nhà đầu tư dự định đầu tư trái phiếu trong bao lâu, ngắn hạn hay dài hạn, mục tiêu lợi nhuận thiên về hưởng lợi tức hơn hay hưởng chênh lệch giá hơn để đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Trên đây là bài viết về lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và những lưu ý khi đầu tư vào loại chứng khoán này mà vnstockmarket.com đã tìm hiểu, mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp cho nhà đầu tư hiểu thêm về loại chứng khoán này, từ đó đưa ra được các quyết định đầu tư cho riêng mình.

Tham khảo các dịch vụ tư vấn đầu tư tài chính cao cấp của chúng tôi, tại đây.

Công Hưng

Similar Posts