chỉ số beta trong đầu tư chứng khoán

Beta là một trong những chỉ số quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với mọi thị trường vốn, giúp cho nhà đầu tư có thể so sánh và định giá được cổ phiếu cụ thể dựa trên mức rủi ro và sinh lời chung của thị trường vốn. 

1. Khái niệm về chỉ số beta

Chỉ số beta là hệ số đo lường mức độ biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư trong tương quan của toàn bộ thị trường.

Trong khái niệm trên, chúng ta nên lưu ý đến khái niệm “rủi ro hệ thống”. Đó là loại rủi ro ảnh hưởng đến hầu hết các chứng khoán, nhóm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trên thị trường như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh,… Ngược lại với rủi ro hệ thống, rủi ro phi hệ thống là loại rủi ro chỉ làm ảnh hưởng đến một hoặc một số chứng khoán, nhóm ngành nghề, lĩnh vực hay doanh nghiệp trên thị trường.

Công thức tính chỉ số beta

                                               Beta = Covar(Ri,Rm) / Var(Rm)

           Trong đó:

                    Ri : Tỷ suất sinh lời của chứng khoán hay danh mục đầu tư

                    Rm: Tỷ suất sinh lời của thị trường

                    Var(Rm): Phương sai của tỷ suất sinh lời của thị trường

                    Covar(Ri,Rm): Hiệp phương sai của tỷ suất sinh lời của chứng khoán hay doanh mục đầu tư và tỷ suất sinh lời của thị trường.

       +) Tỷ suất sinh lời của chứng khoán được tính bằng công thức:

R = (p1-p0)/ p0

                Trong đó:

                       P1 : Giá đóng cửa điều chỉnh phiên đang xét

                       P0 : Giá đóng cửa điều chỉnh phiên trước đó

         Các trường hợp xảy ra với hệ số beta gồm:

+ Hệ số beta = 1 : Mức biến động giá của chứng khoán bằng mức biến động giá của thị trường, chứng khoán này di chuyển cùng bước đi của thị trường.

+ Hệ số beta < 1: Mức biến động giá của chứng khoán nhỏ hơn mức biến động giá của thị trường. Chứng khoán đó có mức độ biến động ít hơn mức thay đổi của thị trường.

+ Hệ số beta > 1: Mức biến động giá của chứng khoán lớn hơn mức biến động giá của thị trường. Chứng khoán này có khả năng sinh lời cao nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn.

+ Hệ số beta < 0: Cổ phiếu có biến động ngược chiều với biến động của thị trường.

Ứng dụng chỉ số Beta để tính lợi nhuận kỳ vọng qua công thức CAPM

2. Ý nghĩa của chỉ số beta trong chứng khoán

  • Hệ số beta giúp cho nhà đầu tư biết được chứng khoán mà mình chọn có đang đi đúng hướng với các chứng khoán trên thị trường hay không và mức độ biến động hay rủi ro của nó trên thị trường.
  • Việc tính toán hệ số beta sẽ giúp cho nhà đầu tư so sánh mức độ biến động giá của cổ phiếu một doanh nghiệp với mức độ biến động chung của thị trường. Qua đó giúp nhà đầu tư đưa ra được quyết định đầu tư của mình
  • Hệ số beta thể hiện mối quan hệ giữa mức độ rủi ro của một tài sản riêng lẻ với mức độ rủi ro hay biến động chung của thị trường. Điều kiện kinh tế thay đổi sẽ kéo hệ số beta thay đổi.
  • Hệ số beta là chỉ tiêu quan trọng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) để xác định tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư. Cụ thể là:

 R = R0 + β (Rm – R0)

                        Trong đó:

                               R : Tỷ suất sinh lời kỳ vọng

                               R0 : Tỷ suất sinh lời phi rủi ro

                               Rm : Tỷ suất sinh lời của thị trường

                               β: Hệ số beta của chứng khoán hoặc danh mục vật tư

         

Vnstockmarket

Similar Posts