chỉ số P/B trong chứng khoán

1. Chỉ số P/B là gì?

Chỉ số P/B là viết tắt của cụm từ Price to Book Value Ratio (PBR) (Chỉ số giá thị trường trên giá trị ghi sổ), còn được gọi là tỷ số P/B hay hệ số P/B. Chỉ số này là một công cụ của phương pháp phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu doanh nghiệp, thể hiện mối quan hệ tỷ lệ giữa giá trị thị trường hiện hành một cổ phiếu và giá trị ghi sổ của một cổ phiếu.

Chỉ số P/B trong đầu tư chứng khoán, được xác định bởi công thức:

Cách tính chỉ số PB trong đầu tư chứng khoán

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng tài sản là 75.000 triệu đồng, trong đó có 10.000 triệu đồng là tài sản vô hình (bằng sở hữu trí tuệ) và 15.000 triệu đồng là Nợ phải trả. Hiện tại công ty đang có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành và giá thị trường của mỗi cổ phiếu là 50.000 đ/CP.

Giá trị ghi sổ của Cổ phiếu là (75.000 – 10.000 – 15.000 )/2 = 25.000 đ/CP

  • Chỉ số P/B = Giá thị trường/ Giá trị ghi sổ của Cổ phiếu = 50.000/25.000 = 2

2. Ý nghĩa của chỉ số P/B

Chỉ số P/B thể hiện giá Cổ phiếu trên thị trường đang gấp bao nhiêu lần tài sản ròng của doanh nghiệp được ghi trên báo cáo tài chính. Hay nói cách khác, chỉ số này phản ánh thị trường sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để được quyền sở hữu một đồng vốn chủ sở hữu được ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp có chỉ số P/B cao cho thấy rằng tại thời điểm định giá, thị trường đang kỳ vọng về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai là rất tốt. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp.

Còn đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp có chỉ số P/B thấp thì có hai cách lý giải. Một là, tại thời điểm định giá, thị trường đang không đánh giá cao về khả năng phát triển của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đánh giá giá trị thị trường của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách.

Hai là, doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục, kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách của doanh nghiệp tăng lên nhưng giá cổ phiếu trên thị trường chưa bắt kịp được sự gia tăng mạnh mẽ của doanh nghiệp. Trong trường hợp này thì đây là cơ hội để các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua cổ phiếu của doanh nghiệp.

Chỉ số P/B giúp cho nhà đầu tư có thêm thông tin để đưa ra quyết định có nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp đối tượng hay không và nếu mua thì nên mua tại thời điểm nào và mức giá bao nhiêu là phù hợp.

3. Ưu, nhược điểm của việc định giá cổ phiếu thông qua chỉ sổ P/B

  • Ưu điểm:

+ Giá trị ghi sổ của doanh nghiệp thường luôn ở mức dương nên việc đánh giá thông qua chỉ số P/B có thể áp dụng để định giá những doanh nghiệp thua lỗ giúp cho nhà đầu tư không bỏ sót các doanh nghiệp có định hướng kinh doanh đầu tư ở giai đoạn đầu để tạo điều kiện phát triển mạnh ở các giai đoạn tiếp theo

+ Giá trị ghI sổ của doanh nghiệp thường ổn định hơn EPS, vì vậy trong nhiều trường hợp EPS của doanh nghiệp biến động lớn thì việc đánh giá thông qua chỉ số P/B để xem xét sẽ mang lại sự hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư.

  • Nhược điểm:

+ Chỉ số P/B chỉ phản ánh giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp, không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhân hiệu, uy tín, bằng sáng chế và tài sản trí tuệ khác …. Vì vậy, việc đánh giá cổ phiếu chỉ thông qua chỉ số P/B thì nhà đầu tư rất dễ bỏ sót các công ty dịch vụ có kết quả kinh doanh tốt nhưng việc đầu tư tài sản không lớn hoặc các công ty có tiềm năng phát triển nhanh do việc sử dụng có hiệu quả các tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Muốn biết doanh nghiệp có chỉ số P/B tốt hay không, các nhà đầu tư nên so sánh chỉ số P/B của doanh nghiệp đó với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường và so sánh với mức trung bình của ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngoài việc sử dụng chỉ số P/B để đánh giá cổ phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên kết hợp nhiều phương pháp đánh giá cổ phiếu khác nữa để có cái nhìn tổng quan hơn về doanh nghiệp đối tượng và giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Từ đó đưa ra quyết định trong việc mua bán cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường một cách hợp lý.

                                         

Công Hưng

Similar Posts