Trái phiếu thường được phân loại theo tổ chức phát hành, trong đó là Chính phủ và Doanh nghiệp là hai chủ thể phổ biến nhất của loại chứng khoán nợ này. Dưới đây xin phân tích và so sánh trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
Mục lục
1. Khái niệm
- Trái phiếu Chính phủ (hoặc trái phiếu kho bạc) là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành là chính phủ, để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và tổ chức kinh tế xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của chính phủ, đầu tư xây dựng các công trình công cộng, nâng cao đời sống nhân dân.
- Trái phiếu doanh nghiệp là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn để tăng vốn hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh
2. So sánh trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp
Giống nhau:
- Đều là chứng khoán nợ, quy định quyền và lợi ích hợp pháp của người nắm giữ trái phiếu đồng thời cũng quy định nghĩa vụ thanh toán nợ của chủ thể phát hành.
- Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đóng vai trò là người cho vay, thu nhập là các lãi vay được trả định kỳ.
- Đều có thể mua đi, bán lại, chuyển nhượng cho người khác
- Đều thường có kỳ hạn tối thiểu là 1 năm
Khác nhau:
Chỉ tiêu | Trái phiếu chính phủ | Trái phiếu doanh nghiệp |
Chủ thể phát hành | Bộ tài chính hoặc các chủ thể được Chính phủ bảo lãnh như doanh nghiệp, ngân hàng chính sách và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh chính phủ | Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam |
Mục đích phát hành | + Bù đắp nguồn ngân sách bị thiếu hụt
+ Đầu tư vào các công trình công cộng phục vụ kinh tế-xã hội +Cơ cấu khoản nợ vay của chính phủ +Cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tính dụng, chính quyền địa phương vay lại |
Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp |
Lãi suất trái phiếu | Thường ở mức cố định và ở mức thấp (được coi là mức lãi suất phi rủi ro) | Tùy theo doanh nghiệp phát hành nhưng thường ở mức cao hơn trái phiếu chính phủ |
Kỳ hạn | Từ 1 năm trở lên. Thường thì ở mức trung hạn (5-12 năm) hoặc dài hạn (12-30 năm) | Cũng từ 1 năm trở lên. Thường thì từ 1-3 năm |
Khả năng bảo toàn vốn | Rất cao, gần như tuyệt đối | Mức trung bình |
Rủi ro | Rủi ro cực thấp | Mức trung bình, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hành |
Khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu | Không | Có (phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên) |
Trái phiếu chính phủ là một kênh đầu tư tương đối an toàn cho các nhà đầu tư tuy nhiên thì lãi suất của loại chứng khoán này thường không cao. Còn đối với trái phiếu doanh nghiệp tuy mức lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro tín dụng cũng cao hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ. Nếu nhà đầu tư quyết định bỏ tiền mua loại chứng khoán này thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Uy tín của doanh nghiệp phát hành: nhà đầu tư nên chọn trái phiếu của các công ty lớn, có nguồn tài chính ổn định và có uy tín trên thị trường.
- Điều khoản phát hành: mức lãi suất, kỳ hạn, tài sản đảm bảo, các hình thức thu hồi vốn (chờ đến đáo hạn, nhà phát hành cam kết mua lại, … )
Trên đây là những hiểu biết cơ bản về hai loại trái phiếu phổ biến trên thị trường là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp ích được cho những nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định lựa chọn các danh mục đầu tư phù hợp với bản thân.
Công Hưng