Nguồn khuyến nghị đầu tư cổ phiếu hay “phím hàng” rất đa dạng trên thị trường chứng khoán, có thể đến từ các nhân viên môi giới, chuyên viên phân tích ở các công ty chứng khoán, chuyên gia chứng khoán trên mạng xã hội hay thậm chí từ người thân, người quen biết của anh/chị nhà đầu tư…
Vậy làm thế nào để đánh giá các khuyến nghị mua bán cổ phiếu từ các nguồn trên có đáng để chúng ta cân nhắc đưa ra các quyết định đầu tư hay không? Bài viết dưới đây Vnstockmarket xin phân tích và đưa ra các tiêu chuẩn quan trọng, để nhà đầu tư có thể tự đánh giá.
Có 2 yếu tố quan trọng để đánh giá một khuyến nghị đầu tư cổ phiếu:
- Tính tin cậy của khuyến nghị đầu tư cổ phiếu
- Chất lượng của khuyến nghị đầu tư cổ phiếu
Để xác định 2 yếu tố trên chúng ta cần trả lời 2 vấn đề tương ứng dưới đây:
- Mục đích của người hay tổ chức đưa ra khuyến nghị đầu tư
- Năng lực và cơ sở khuyến nghị đầu tư
Mục lục
1. Xác định mục đích của khuyến nghị đầu tư cổ phiếu
Mục đích của các khuyến nghị đầu tư cổ phiếu có thể chia thành:
- Mong muốn khách hàng đầu tư lãi để hưởng lợi ích tương ứng,
- Thúc đẩy giao dịch mua/bán cổ phiếu
- Tạo danh tiếng, thu hút thêm khách hàng tiềm năng,
- Gây ảnh hưởng tâm lý thị trường đến giá cổ phiếu theo hướng có lợi cho vị thế đầu tư của người/đơn vị khuyến nghị.
- Nhận lợi ích từ bên khác để đưa ra khuyến nghị đầu tư.
1.1 Mong muốn khách hàng đầu tư có lãi để hưởng lợi ích tương ứng:
Khi nhà đầu tư đang sử dụng các dịch vụ đầu tư do chính người/đơn vị đưa ra các khuyến nghị đầu tư đó. Họ tất nhiên mong muốn nhà đầu tư có lãi để tiếp tục sử dụng các dịch vụ đầu tư của họ, đồng thời có thể được nhận một phần lợi ích theo hợp đồng dịch vụ nếu có.
Tuy nhiên khi sử dụng các loại dịch vụ có cơ chế phí đầu tư không lành mạnh, nhà đầu tư cần tỉnh táo lưu ý. Bởi trong nhiều trường hợp, lợi ích đến từ mục đích thứ 2 dưới đây (thúc đẩy giao dịch mua bán cổ phiếu) còn lớn hơn các mục đích chính đáng ở phần 1 này.
Anh/chị nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm bài viết phí dịch vụ đầu tư chứng khoán bao nhiêu là hợp lý, để hiểu rõ hơn bản chất của các loại chi phí và những lưu ý quan trọng liên quan.
1.2 Khuyến nghị đầu tư để thúc đẩy giao dịch mua/bán cổ phiếu:
Dịch vụ môi giới, thu phí từ các giao dịch mua bán chứng khoán là dịch vụ dễ làm, kiếm tiền “chắc nhất” từ khách hàng của các công ty dịch vụ chứng khoán. Do vậy, mô hình kinh doanh của hầu hết các công ty chứng khoán từ trước đến nay vẫn tập trung vào việc tuyển dụng lượng lớn các nhân viên môi giới chứng khoán, với mục tiêu tìm kiếm, đưa khách hàng về mở tài khoản để giao dịch.
Theo ước tính chi phí trong quá trình đầu tư chứng khoán, các loại chi phí dịch vụ có thể lên tới trên 20% giá trị tài khoản (NAV) nếu lạm dụng giao dịch thường xuyên.
Khuyến nghị đầu tư cổ phiếu bắt nguồn từ nhân viên môi giới, chuyên viên phân tích ở các công ty chứng khoán tiềm ẩn nhiều loại mục đích thúc đẩy giao dịch mua/bán cổ phiếu. Khi nhà đầu tư giao dịch càng nhiều, thì các chi phí dịch vụ phát sinh càng lớn, thu nhập và lơi ích của họ càng gia tăng.
Đây là một loại rủi ro đạo đức phổ biến trên thị trường chứng khoán, loại rủi ro này tăng cao nếu nhà đầu tư sử dụng các dịch vụ có cơ chế phí thúc đẩy người/tổ chức làm dịch vụ hưởng lợi từ chính các chi phí phát sinh của khách hàng.
1.3 Khuyến nghị đầu tư cổ phiếu nhằm tăng danh tiếng, thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Các mục đích khuyến nghị đầu tư kiểu này chúng ta có thể gặp phổ biến ở:
- Môi giới chứng khoán qua email, mạng xã hội, livestream facebook…
- Các báo cáo định giá, khuyến nghị đầu tư của các tổ chức cung cấp dịch vụ, công ty chứng khoán
- Các nhận định từ chuyên gia đầu tư, chuyên gia kinh tế…
Về cơ bản, đây là loại mục đích “tốt đẹp” mà nhà đầu tư có thể tin tưởng từ phía người/đơn vị “phím hàng”. Tuy nhiên chất lượng và trách nhiệm của các loại khuyến nghị đầu tư dạng này luôn là dấu hỏi lớn, đặc biệt là các kiểu tư vấn mua/bán của môi giới, nếu đúng thì tiếp tục hô hào, còn sai thì lại im thôi… chẳng mất gì.
1.4 Gây ảnh hưởng tâm lý thị trường đến giá cổ phiếu theo hướng có lợi cho vị thế đầu tư của người/đơn vị đưa ra khuyến nghị.
Dạng khuyến nghị đầu tư cổ phiếu này thường gặp với những tổ chức có tên tuổi trên thị trường. Trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, rất nhiều khuyến mua vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán, trong khi đó tự doanh của họ âm thầm bán ra.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, trước không lâu và trong giai đoạn nhạy cảm đó, các vị lãnh đạo của sở giao dịch chứng khoán lại ngừng việc công bố các số liệu tự doanh, cho đến khi bị sờ gáy, các số liệu này mới được công bố trở lại.
Do vậy, nhà đầu tư nên cẩn trọng với loại mục đích khuyến nghị đầu tư này, đặc biệt lưu ý đến vị thế đầu tư của các tổ chức đưa ra khuyến nghị này.
1.5 Nhận lợi ích từ bên khác để đưa ra khuyến nghị đầu tư:
Trường hợp này có thể xảy ra ở những cổ phiếu đang có các kế hoạch:
- Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu
- Doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết và mới niêm yết trên thị trường
Ngoài ra trường hợp ban lãnh đạo hoặc nhóm cổ đông lớn có kế hoạch lái giá cổ phiếu, cũng có thể thuê các công ty tài chính, công ty chứng khoán viết các khuyến nghị đầu tư, công bố trên thị trường, nhằm phục vụ cho các giai đoạn làm giá cổ phiếu của họ.
Với mục đích như vậy, nhà đầu tư nên đặc biệt lưu ý đề phòng để giảm thiểu rủi ro. Các chuyên viên đầu tư Vnstockmarket xây dựng bảng đánh giá rủi ro đạo đức doanh nghiệp niêm yết, để giảm thiểu loại rủi ro từ các bẫy làm giá chứng khoán trên. Anh/chị nhà đầu tư có thể xem tại đây.
Làm thế nào để xác định mục đích của các khuyến nghị đầu tư chứng khoán?
Anh/chị nhà đầu tư cần xác định vị thế đầu tư của người/đơn vị đưa ra khuyến nghị, bao gồm:
- Mức độ nắm giữ cổ phiếu của đơn vị ra khuyến nghị đầu tư
- Các giao dịch cổ phiếu gần đây và dự định mua/bán cổ phiếu đó.
- Lợi ích liên quan khác của người/đơn vị khi đưa ra khuyến nghị đầu tư với doanh nghiệp hoặc đối với diễn biến tăng/giảm của cố phiếu này.
Với một tổ chức tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trước khi ra khuyến nghị đầu tư bất cứ một cổ phiếu nào cũng cần minh bạch các yếu tố trên, để nhà đầu tư và cộng đồng thị trường chứng khoán có thể tự đánh giá tính chính trực của mục đích khuyến nghị đầu tư cổ phiếu đó.
2. Năng lực và cơ sở khuyến nghị đầu tư cổ phiếu
2.1 Năng lực đầu tư cổ phiếu
Một trong những nhầm lẫn phổ biến của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường khi đánh giá năng lực đầu tư của một cá nhân hay tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi nhà đầu tư cân nhắc sử dụng các loại dịch vụ yêu cầu tính chuyên môn đầu tư cao như: Tư vấn đầu tư chứng khoán hay Ủy thác tài khoản đầu tư chứng khoán.
Năng lực đầu tư đối với tổ chức có thể được đánh giá qua:
- Vị thế của tổ chức đầu tư trên thị trường
- Chất lượng các chuyên viên đầu tư
- Khả năng phối hợp và hỗ trợ các phòng ban.
Tuy nhiên vị thế và năng lực đầu tư của tổ chức có được tận dụng để đưa ra các báo cáo khuyến nghị đầu tư chất lượng cho khách hàng hay public ngoài công chúng hay không, có vẻ như lại là một câu chuyện khác.
2.2 Các cơ sở của khuyến nghị đầu tư cổ phiếu
Các lý luận đầu tư, dự đoán và tính toán giá cổ phiếu, xu hướng giá hay triển vọng của doanh nghiệp đó có logic, hợp lý hay không? Việc đánh giá này thông thường dựa trên 3 tiêu chí quan trọng:
- Nguồn thông tin chi tiết của báo cáo khuyến nghị đầu tư
- Các lý luận đầu tư dựa trên các thông tin có được
- Lượng hóa các yếu tố thành giá cổ phiếu.
Việc đánh giá cơ sở lý luận của các khuyến nghị đầu tư cổ phiếu phụ thuộc vào hiểu biết ngành nghề, doanh nghiệp của người đọc báo cáo khuyến nghị, cũng như am hiểu về các kỹ thuật định giá, tính toán để nắm bắt được bản chất và các hạn chế trong quá trình lượng hóa các yếu tố thành giá cổ phiếu, để đưa ra kết luận khuyến nghị đầu tư cuối cùng.
Hi vọng bài viết trên có thể phần nào giúp tăng khả năng đánh giá các khuyến nghị cổ phiếu của anh/chị nhà đầu tư. Nếu có nhu cầu tham khảo các dịch vụ đầu tư chứng khoán cao cấp tại Vnstockmarket, anh/chị nhà đầu tư có thể tham khảo tại đây.
Vnstockmarket