trái phiếu và đặc điểm trái phiếu

1. Khái niệm

Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của chủ thể phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định. Hay nói cách khác, trái phiếu là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đối với một phần vốn vay nợ của chủ thể phát hành.

  • Mệnh giá: là giá trị ghi trên trái phiếu, là số tiền gốc mà chủ thể phát hành phải hoàn lại cho trái chủ (người sở hữu trái phiếu) khi đến hạn và là căn cứ để xác định khoản lợi tức tiền vay mà chủ thể phát hành phải trả.
  • Lãi suất danh nghĩa: thường được ghi trên trái phiếu hoặc do chủ thể phát hành công bố. Lãi suất này được xác định theo tỷ lệ phần trăm so mệnh giá và cũng là căn cứ xác định khoản lợi tức trái phiếu.
  • Thời hạn của trái phiếu là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày đến hạn của trái phiếu (ngày mà chủ thể phát hành phải hoàn trả hoàn toàn tiền gốc cho trái chủ).
  • Kỳ trả lãi khoảng thời gian mà chủ thể phát hành phải trả lãi từng lần cho trái chủ ( VD: trả lãi hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc là trả lãi 1 lần khi đến hạn)
  • Giá phát hành là giá bán ra của trái phiếu tại thời điểm phát hành. Giá phát hành có thể bằng hoặc không bằng mệnh giá của trái phiếu.

2.  Đặc điểm của trái phiếu

  • Trái phiếu là chứng khoán nợ. Người nắm giữ trái phiếu (trái chủ) là chủ một khoản nợ xác định của chủ thể phát hành và chủ thể phát hành có nghĩa vụ phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho trái chủ khi đến hạn của trái phiếu. Và trong trường hợp chủ thể phát hành là công ty bị phá sản thì trái chủ luôn được ưu tiên hoàn vốn trước các chủ sở hữu công ty.
  • Trái phiếu luôn có mệnh giá và thời hạn xác định. Thông thường mệnh giá và thời hạn sẽ được ghi trên trái phiếu, và đây là những căn cứ để xác định thu nhập trong tương lai của trái chủ khi sở hữu trái phiếu.
  • Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi mà chủ thể phát hành phải trả cho trái chủ, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của bên nợ với mức lãi suất thường cố định, được công bố khi phát hành và có giá trị trong suốt thời gian tồn tại của trái phiếu.

3. Phân loại trái phiếu

        a) Phân loại theo nhà phát hành

  • Trái phiếu Chính phủ (hoặc trái phiếu kho bạc) là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành là chính phủ, để huy động nguồn vốn nhàn rồi trong dân và tổ chức kinh tế xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của chính phủ.
  • Trái phiếu doanh nghiệp là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn để tăng vốn hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh
  • Trái phiếu của ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính: Các tổ chức này có thể phát hành trái phiếu để tăng thêm vốn hoạt động.
    b) Phân loại theo lợi tức trái phiếu
  • Trái phiếu có lãi suất cố định là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo tỷ lệ phần trăm cố định tính theo mệnh giá.
  • Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi) là loại trái phiếu mà lợi tức được chủ thể phát hành trả theo kỳ khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.
  • Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận được lãi, nhưng lại được mua với mức giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi đến hạn.
    c) Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán của chủ thể phát hành
  • Trái phiếu bảo đảm là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành dùng tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành. Khi chủ thể phát hành không đủ điều kiện trả nợ thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đảm bảo để thu hồi lại số tiền còn nợ

      + Trái phiếu có tài sản cầm cố là loại trái phiếu mà chủ thể phát hành cầm cố bất động sản để đảm bảo thanh toán cho trái chủ. Giá trị của bất động sản đó thường lớn hơn tổng mệnh giá của các trái phiếu phát hành.

     + Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ là loại trái phiếu bảo đảm mà chủ thể phát hành đem ký quỹ số chứng khoán có tính thanh khoản cao mà mình sở hữu để làm tài sản đảm bảo.

  • Trái phiếu không đảm bảo là loại trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo mà chỉ được đảm bảo bằng uy tín của chủ thể phát hành.
    d) Phân loại dựa vào hình thức của trái phiếu
  • Trái phiếu vô danh là loại trái phiếu không ghi tên người mua và trong sổ sách của chủ thể phát hành. Trái chủ là người được hưởng quyền lợi
  • Trái phiếu ghi danh là loại trái phiếu có ghi tên người mua và trong sổ sách của chủ thể phát hành.
    e) Phân loại dựa vào tính chất của trái phiếu
  • Trái phiếu có thể chuyển đổi: loại trái phiếu mà người nắm giữ có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu phổ thông cụ thể của công ty phát hành hoặc một lượng tiền mặt có giá trị tương đương.
  • Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu là loại trái phiếu cho phép trái chủ có quyền mua lại một số lượng cổ phiếu nhất định của công ty
  • Trái phiếu có thể mua lại là loại trái phiếu cho phép chủ thể phát hành được quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.

Trên đây là bài viết phân tích trái phiếu, đặc điểm và phân loại trái phiếu mà vnstockmarket.com đã tìm hiểu, mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp cho nhà đầu tư hiểu thêm về loại chứng khoán này, từ đó đưa ra được các quyết định đầu tư cho riêng mình.

Công Hưng

Similar Posts