Mục lục
Báo cáo tài chính doanh nghiệp là gì?
Báo cáo tài chính doanh nghiệp là hệ thống các báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cũng như tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Đây là các báo cáo do các kế toán trong doanh nghiệp ghi nhận và trình bày dưới dạng các bảng biểu nhằm mục đích cung cấp cho ban lãnh đạo công ty các thông tin về tình hình doanh nghiệp
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm các báo cáo sau:
- Bảng cân đối kế toán: tóm tắt số dư tài chính của doanh nghiệp tại hai thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ, phản ánh tình hình huy động vốn và đầu tư vốn của doanh nghiệp trong kỳ từ đó nói lên tình trạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: phản ánh các khoản doanh thu, thu nhập và các khoản chi phí liên quan đến các hoạt động bán hàng cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính từ đó phản ảnh tình trạng lãi, lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: tổng hợp tình hình thu, chi tiền tệ của doanh nghiệp dựa vào các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính trong kỳ.
- Thuyết minh báo cáo tài chính: tường thuật và phân tích chi tiết các thông tin số liệu được trình bày trong Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Mục đích của báo cáo tài chính
- Giúp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan nhất về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp
- Cung cấp các thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ vừa qua, giúp cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng và là căn cứ quan trọng đề ra các quyết định về quản lý, điều hình hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.
- Là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch kinh tế, tài chính của doanh nghiệp là những căn cứ khoa học để đề ra hệ thống các biện pháp xác thực nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp, liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận.
Các nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp
- Cơ sở dồn tích: tài sản, các khoản nợ, nguồn vốn chủ sở hữu, các khoản thu nhập và chi phí được ghi sổ khi phát sinh và được thể hiện trên báo cáo tài chính ở niên độ kế toán mà chúng có liên quan.
- Hoạt động liên tục: khi lập báo cáo tài chính doanh nghiệp phải đánh giá khả năng kinh doanh liên tục và căn cứ vào đó để lập.
- Tính nhất quán: việc trình bày và phân loại các khoản mục trên báo cáo tài chính phải quán triệt nguyên tắc nhất quán giữa các niên độ kế toán nhằm đảm bảo tính thống nhất và khả năng so sánh được của các thông tin trên báo cáo.
- Trọng yếu và tập hợp: những thông tin trọng yếu, riêng lẻ không được sáp nhập với những thông tin khác mà phải trình bày riêng biệt còn các thông tin không trọng yếu, có thể tổng hợp được thì cần được phản ánh dưới dạng thông tin tổng quát.
- Nguyên tắc bù trừ: khi lập báo cáo tài chính không được phép bù trừ giữa tài sản và các khoản công nợ, giữa thu nhập và chi phí. Trong trường hợp tiến hành bù trừ giữa các khoản này thì phải dựa trên cơ sở tính trọng yếu và phải diễn giải trong Thuyết minh báo cáo tài chính.
- Có thể so sánh: các thông tin bằng số liệu trên báo cáo tài chính nhằm để so sánh giữa các kỳ kế toán phải được trình bày tương ứng với các thông tin bằng số liệu trên báo cáo kỳ trước. Ngoài ra, các thông tin so sánh cần phải được trình bày bằng lời nếu điều này cần thiết giúp cho người sử dụng hiểu rõ hơn về báo cáo tài chính.
Trên đây là những kiến thức tổng quan về báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà vnstockmarket.com đã tìm hiểu, mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp cho nhà đầu tư hiểu thêm về loại chứng khoán này, từ đó đưa ra được các quyết định đầu tư cho riêng mình.
Công Hưng