các sàn chứng khoán Việt Nam

Sàn giao dịch chứng khoán (gọi tắt là sàn chứng khoán) là nơi “gặp nhau” của các nhà phát hành, các nhà đầu tư và thực hiện các giao dịch mua, bán chứng khoán.

Hiện nay, Việt Nam đang có 4 sàn chứng khoán trong đó 3 sàn chứng khoán tập trung là HOSE, HNX và UPCOM dành cho các công ty đại chúng và sàn phi tập trung OTC dành cho các công ty chưa niêm yết. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về các sàn chứng khoán trên.

Sàn chứng khoán HOSE – Sàn chứng khoán sôi động nhất

Sàn chứng khoán HOSE
Sàn chứng khoán HOSE

HOSE là tên viết tắt của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Stock exchange). Sàn HOSE là sàn giao dịch chứng khoán trực thuộc ủy ban chứng khoán Nhà nước, được chính thức thành lập vào tháng 07/2000 với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết tại Việt Nam.

Đây là sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Đa số các công ty đại chúng lớn ở Việt Nam đều niêm yết trên sàn này.

  • Chỉ số biểu trưng cho sàn HOSE là chỉ số VN-Index và VN30
  • Quy định về khối lượng giao dịch trên bảng giá HOSE:

+ Đối với mã chứng khoán cổ phiếu/CCQ/ETF/CW trên sàn: x  10, tức là cứ 1 đơn vị khối lượng trên sàn HOSE tương đương với 10 cổ phiếu/CCQ/ETF/CW

+ Đối với các mã chứng khoán phái sinh: x 1

  • Quy định về biên độ thay đổi giá cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE trong ngày là 7% so với giá tham chiếu, tức là giá giao dịch trong ngày chỉ được tăng, giảm tối đa 7%.

Sàn chứng khoán HNX

Sàn chứng khoán HNX

Sàn chứng khoán HNX

HNX là tên viết tắt của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hanoi Stock exchange), là nơi mà các chứng khoán của các công ty niêm yết do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý.

Sàn HNX được chính thức đi vào hoạt động từ năm 2005 với hoạt động chính là tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, đấu giá cổ phần và trái phiếu.

  • Chỉ số biểu trưng cho sàn HNX là chỉ số HN-Index và HN30
  • Quy định về khối lượng giao dịch trên bảng giá HNX:

+ Đối với mã chứng khoán cổ phiếu/CCQ/ETF/CW trên sàn: x  100, tức là cứ 1 đơn vị khối lượng trên sàn HNX tương đương với 100 cổ phiếu/CCQ/ETF/CW

+ Đối với các mã chứng khoán phái sinh: x 1

  • Quy định về biên độ thay đổi giá cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX trong ngày là 10% so với giá tham chiếu.

Sàn chứng khoán UPCOM

sàn chứng khoán Upcom
Sàn chứng khoán Upcom được quản lý bởi sở giao dịch chứng khoán Hà Nội

Khác với sàn chứng khoán HOSE và HNX dành cho các công ty đủ điều kiện niêm yết trên thì sàn UPCOM là sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Sàn UPCOM (Unlisted Public Company Market) cũng trực thuộc trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội giống như sàn HNX, được xem là sàn giao dịch “trung chuyển” giữa các công ty chưa niêm yết và công ty đã niêm yết. Sàn UPCOM chính thức ra mắt vào năm 2009, nhằm khuyến khích các công ty chưa niêm yết tham gia vào thị trường chứng khoán.

  • Chỉ số biểu trưng cho sàn UPCOM là Upcom-index.
  • Quy định về khối lượng giao dịch trên sàn UPCOM cũng giống như sàn HNX. Có nghĩa là đối với mã chứng khoán cổ phiếu/CCQ/ETF/CW thì x100, còn đối với các mã chứng khoán phái sinh thì x1.
  • Quy định về biên độ thay đổi giá cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCOM trong ngày là 15% so với giá tham chiếu.

Sàn OTC

Khác với 3 sàn chứng khoán trên HOSE, HNX, UPCOM là các sàn giao dịch chứng khoán tập trung, sàn OTC là sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung. OTC là viết tắt của cụm từ Over the counter, bao gồm các cổ phiếu, chứng khoán được phát hành ở các trung tâm lưu ký chứng khoán nhưng chưa niêm yết giá.

Đặc điểm của sàn OTC là mức thanh khoản thấp và biên độ lợi nhuận khá cao, đồng thời rủi ro cũng tương đối cao (rủi ro hơn so với 3 sàn chứng khoán tập trung trên).

Sàn OTC được sự quản lý, điều hành của các tổ chức do pháp luật quy định và được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước.

Trên đây là chia sẻ của vnstockmarket.com về các sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng những thông tin trên sẽ hữu ích cho các nhà đầu tư khi mới tham gia vào thị trường chứng khoán ở nước ta.

Công Hưng

Similar Posts