Loi nhuan ngan hang se phan hoa theo room tin dung moi duoc giao

Việc room tín dụng chính thức được nới kết hợp với tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng đang khiến nhiều ngân hàng phải liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

NIM tăng trong quí 2

Theo thống kê của FiinGroup, có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức trên 30% trong năm 2022, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch cho cả năm nay sẽ tương đối thấp nếu không có thêm hạn mức tín dụng.

Thực tế cho thấy tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm của ngành mới ở mức bình quân 51,5%.

Trong bối cảnh này, cho dù giá thị trường/giá trị sổ sách của cổ phiếu (P/B) khối ngân hàng hiện đang thấp hơn trung bình năm năm (1,75x so với 2.0x), nhưng cơ hội đầu tư khó có thể đến với tất cả các cổ phiếu ngân hàng mà sẽ tập trung vào một số ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm dựa trên một số tiêu chí cụ thể. Điển hình là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp, từ đó sẽ có điều kiện tăng tỷ trọng cho vay.

Tiếp đến là các ngân hàng vẫn còn hạn mức tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay trong quí này và quí tới hay các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và có lợi thế về trích lập dự phòng, ít chịu áp lực trích lập thời gian tới. Cuối cùng là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao sẽ có lợi thế khi chuyển đổi sang cho vay dài hạn để tận dụng lãi suất cho vay cao hơn.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong quí 2-2022 vừa qua, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại đã tăng 13,9 điểm cơ bản lên mức 3,72% do các ngân hàng có xu hướng chuyển dịch tài sản sinh lời ngắn hạn sang tài sản sinh lời dài hạn có mức lợi suất cao hơn.

Tỷ trọng cho vay dài hạn của các ngân hàng tăng 68% trong khi tỷ trọng cho vay ngắn hạn và trung hạn lần lượt giảm 36,3% và 31,8% so với quí trước, cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng đã tập trung nhiều hơn vào các kỳ hạn dài, đẩy lãi suất cho vay bình quân tăng thêm 0,4%.

Bên cạnh đó, trong quí 2-2022, các ngân hàng cũng hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhằm chuyển dịch hoạt động tín dụng sang cho vay nhiều hơn. Số liệu của FiinGroup cho thấy, trong quí 2-2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ của các ngân hàng niêm yết giảm 4,1% so với quí trước trong khi cho vay khách hàng tăng 3,6%.

Ngoài ra, tăng trưởng trái phiếu tổ chức tín dụng trong quí 2-2022 cũng chậm lại so với quí 1-2022 (tăng 5,13% so với mức tăng 8,76%). Đây là minh chứng cho thấy các ngân hàng đang có sự dịch chuyển từ tài sản ngắn hạn sang tài sản có kỳ hạn dài hơn.

Lãi suất thiết lập mặt bằng mới

Theo thông cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua, cơ quan này đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cụ thể được phân cho từng tổ chức tín dụng dựa trên hai cơ sở: (i) kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung). (ii) xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Theo đó, hạn mức room tín dụng được tăng thêm tại một số ngân hàng như sau: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB khoảng 3,1%; VIB (3%); Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%…

Trong bối cảnh lãi suất huy động đã thiết lập một mặt bằng mới cao hơn và room tín dụng có sự khác biệt, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong hai quí cuối năm nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh và có thể ẩn chứa nhiều bất ngờ!

Việc room tín dụng chính thức được nới kết hợp với tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng đang khiến nhiều ngân hàng phải liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Ngoài ra, một áp lực khác là quy định kể từ ngày 1-10 tới đây, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa của các ngân hàng sẽ giảm từ 37% xuống 34%.

Trước những sức ép trên, kể từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng MB tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng tại MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm, lên 3,8%/năm. Sacombank cũng tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng nhỏ, cuộc đua lãi suất cũng diễn ra rất sôi động. Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng lên kịch trần 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2%, lên 6,6%/năm. Ngân hàng Nam Á tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm, lên 6,9%/năm. Với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Nam Á là 7,2%/năm, còn kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 tháng là 7,3%/năm.

Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng nhỏ đều trên 7%/năm, như tại SCB lãi suất huy động cao nhất đang ở mức 7,55%/năm, Kienlongbank cao nhất 7,3%/năm, Techcombank cao nhất 7,1%/năm…

Không chỉ trên thị trường dân cư, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng “dậy sóng”. Từ mức trung bình 0,5%/năm cuối tháng 6, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh và đạt mức 6,88%/năm trong phiên ngày 7-9 trước khi giảm nhẹ về mức 5,9%/năm trong phiên tiếp theo.

Như vậy lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng từ 12-14 lần trong vòng hai tháng qua và liên tục duy trì ở mức cao. Mức lãi suất qua đêm này thậm chí còn cao hơn lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng trên thị trường dân cư của một số ngân hàng.

Trong bối cảnh lãi suất huy động đã thiết lập một mặt bằng mới cao hơn và room tín dụng có sự khác biệt, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong hai quí cuối năm nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh và có thể ẩn chứa nhiều bất ngờ!

Linh Trang / Vietstock

TBKTSG

Similar Posts