NAV là viết tắt của cụm từ tiếng anh Net Asset Value, trong kế toán, đầu tư và tài chính có nghĩa Tiếng Việt là Tài sản ròng. Ứng dụng của NAV được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong nhiều vấn đề. Dưới đây Vnstockmarket đưa ra một số ứng dụng phổ biến nhất.
Cách tính giá trị tài sản ròng:
Tùy theo từng hoàn cảnh và ứng dụng cụ thể, NAV có thể được hiểu và tính theo các cách dưới đây:
- NAV = Tổng tài sản – Tổng nợ
- NAV = Tổng giá trị thị trường – tổng nợ
- NAV = (Tổng tài sản – tổng nợ)/tổng số đơn vị phát hành (chứng chỉ quỹ; cổ phiếu..)
Mục lục
1. NAV trong quản trị danh mục đầu tư tài chính
Trong đầu tư chứng khoán, giao dịch các sản phẩm tài chính như phái sinh, forex, hàng hóa… NAV thường được sử dụng để đo tiền thực còn lại trên tài khoản đầu tư của khách hàng.
NAV sẽ được tính bằng tổng giá trị tài sản tài chính (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, hợp đồng tương lai, quyền chọn, chứng quyền…) trừ đi tiền vay nợ (tiền vay margin, tiền vay sử dụng đòn bẩy tài chính).
2. NAV trong định giá doanh nghiệp, định giá cổ phiếu
Trong một số trường hợp đặc biệt, giá trị của doanh nghiệp, cổ phiếu có thể được tính bằng phương pháp tài sản ròng NAV, bằng phép tính:
(Tổng tài sản – tổng nợ)/tổng số cổ phiếu
Phương pháp định giá NAV thường áp dụng đối với các doanh nghiệp:
- Tuyên bố phá sản, giải thể, ngừng hoạt động
- Giá trị vô hình, tài sản vô hình không có hoặc không đáng kể
- Một số loại hình doanh nghiệp start-up
Cách tính đơn giản có thể dựa trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp như giá trị sổ sách (book value). Tuy nhiên nhiều trường hợp cần thẩm định lại giá trị của từng tài sản, khoản phải thu cũng như đánh giá lại các khoản nợ, hay nợ tiềm tàng…
3. Đánh giá chất lượng tài sản của tổ chức kinh tế:
Chỉ số tài sản ròng có thể được sử dụng để đánh giá chất lượng tài sản của tổ chức kinh tế, bao gồm cả các tổ chức tín dụng lẫn các doanh nghiệp thông thường.
Ứng dụng của NAV lúc này có thể là để thẩm định mức an toàn cho vay của doanh nghiệp. Hay đánh giá rủi ro vay nợ, mất khả năng thanh toán, hoặc chất lượng của tài sản thế chấp ngân hàng…
Ngoài ra NAV cũng có thể sử dụng để đánh giá chính chất lượng tài sản ròng của các tổ chức tín dụng hoạt động chính trong lĩnh vực cho vay và đầu tư.
4. Sử dụng NAV để đo lường mức độ sinh lời theo thời gian:
Nếu chúng ta đọc các báo cáo hiệu quả đầu tư của các quỹ đầu tư thì họ luôn công khai biểu đồ NAV theo thời gian. Nhờ vậy các nhà đầu tư cũng như đại chúng có thể dễ dàng theo dõi mức độ rủi ro biến động cũng như hiệu quả đầu tư của các quỹ qua thời gian.
5. Tính tỷ lệ tăng trưởng tài sản, lợi nhuận ròng bằng NAV
Trong nhiều ứng dụng việc tính tăng trưởng NAV tương đương với phép đo cho việc tính tỷ suất lợi nhuận theo thời gian. Bằng công thức đơn giản:
[NAV(cuối kỳ) – NAV(đầu kỳ)] / NAV(đầu kỳ)