Bảng đánh giá rủi ro đạo đức doanh nghiệp niêm yết

Bảng đánh giá mức độ rủi ro đạo đức của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam:

Để giảm thiểu rủi ro đạo đức cho nhà đầu tư cá nhân và lên án các trường hợp mà ban lãnh đạo công ty tập trung làm kinh doanh thì ít, mà dấu hiệu “ăn tiền” của nhà đầu tư thì nhiều. Đội ngũ chuyên viên đầu tư Vnstockmarket xây dựng bảng đánh giá mức độ rủi ro đạo đức của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam. 

Bảng đánh giá mức độ rủi ro đạo đức của các doanh nghiệp niêm yết

Đầu tư chứng khoán ở nhiều khía cạnh giống như việc bạn đưa tiền của mình cho người khác để họ thực hiện các kế hoạch, ý tưởng kinh doanh. Do vậy trước khi đánh giá đến khả năng sinh lời của kế hoạch kinh doanh đó, chúng ta cần xem xét liệu họ, những vị lãnh đạo của doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư, có đáng tin tưởng hay không? 

Bảng đánh giá rủi ro đạo đức được tính điểm dựa trên 6 tiêu chí dưới đây:

1. Cấu trúc quản trị & cổ đông của doanh nghiệp:

1.1 Rủi ro hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Độ rủi ro được đánh giá chủ yếu dựa trên cơ cở:

  • Mức độ tách biệt giữa quản lý và sở hữu doanh nghiệp
    Thuật ngữ quản trị doanh nghiệp còn gọi là Agency risk. Việc tách bạch giữa sở hữu và quản trị rất quan trọng cho việc giảm rủi ro đạo đức cho cổ đông nhỏ lẻ. Đảm bảo giảm tính lạm quyền của nhóm cổ đông lớn lên doanh nghiệp. 
  • Thành phần ban lãnh đạo:
    Đánh giá mức độ uy tín của thành phần cá nhân ban lãnh đạo dựa trên lý lịch và các hoạt động kinh tế trong quá khứ. Những vị lãnh đạo đã từng bị phạt, phát hiện có các hành vi phạm các đạo đức cả ở ngoài kinh doanh, lẫn trong thị trường chứng khoán sẽ bị đánh giá điểm rủi ro cao.
  • Khả năng hoạt động độc lập giữa các thành viên thuộc hội đồng quản trị; ban giám đốc; ban kiểm soát.
    Phần lớn các doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam, việc thành lập ban kiểm soát mang nhiều tính tượng trưng. Hay các thành viên ban quan trị; ban giám đốc điều hành có các mối quan hệ cá nhân với nhau. Điều này tăng mức độ rủi ro đạo đức cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

1.2 Rủi ro cơ cấu và thành phần cổ đông:

+ Thành phần cổ đông

Đây là yếu tố chúng tôi đánh giá quan trọng nhất, cổ đông là các tổ chức, cá nhân hoạt động lâu năm có uy tín và ít tai tiếng liên quan, sẽ được đánh giá rủi ro thấp.Ví dụ: Vinacapital; SK Investment Vina.

+ Tính minh bạch của cơ cấu cổ đông:

Trên thị trường chứng khoán có một số công ty có nhóm cổ đông kiểm soát nắm rất ít cổ phiếu (theo công bố). Trong khi đó thanh khoản cổ phiếu thường rất cao. Có những công ty tổng cổ phiếu lưu hành chưa đến 40 triệu cổ phiếu, chủ tịch và nhóm người liên quan nắm chưa đến 10% cổ phần, nhưng thanh khoản trung bình phiên đều cả triệu trên phiên.

Tất nhiên chủ tịch và ban lãnh đạo công ty đều trả lời “không biết” ai giao dịch, còn chúng tôi buộc phải nghi ngờ có nhiều tài khoản giao dịch ẩn danh từ ban lãnh đạo.

+ Tính đa dạng của cổ đông:

Yếu tố này cũng rất quan trọng, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và cả nhiều nhà đầu tư cá nhân… sẽ giúp tăng tính minh bạch của công ty, khiến công ty trở lên “đại chúng” hơn, ví dụ như FPT, VNM.

2. Rủi ro làm giá chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu (price manipulation)

  • Chu kỳ biến động giá cổ phiếu tăng giảm thất thường,
  • Biến động lệch pha với ngành bất hợp lý,
  • Sự biến động giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi các tin đồn dẫn dắt,
  • Giá cổ phiếu biến động mạnh có thể theo xu hướng bởi các công bố, các hành động mua/bán của các lãnh đạo hoặc người thân.
  • Thanh khoản cổ phiếu tăng giảm bất thường, và có thể tăng cao đột biến.

Vui lòng đọc bài viết Tất tần tật về đội lái chứng khoán để hiểu rõ hơn.

3. Giao dịch nội gián (insider trading)

Là việc lợi dụng lợi thế nắm giữ và biết trước các thông tin nội bộ trọng yếu của doanh nghiệp để giao dịch trước cổ phiếu. Doanh nghiệp bị đánh giá có rủi ro này tăng lên nếu:

  • Có cơ chế quản trị doanh nghiệp yếu
  • Thành viên ban lãnh đạo, người thân, người công bố thông tin, thường xuyên công bố giao dịch chứng khoán
  • Giá chứng khoán thường xuyên có các dấu hiệu biến động bất thường trước khi các thông tin trọng yếu được công bố. Cái mà chúng ta thường nói của miệng là tin ra là bán đó, vì nhiều doanh nghiệp họ để cho tình trạng trên diễn ra, dẫn đến lúc thông tin được công bố thì giá đã biến động cao quá rồi, so với mức ảnh hưởng của những thông tin đó.

4. Rủi ro bất cân đối thông tin (Asymmetric information)

Mức độ rủi ro này được đánh giá dựa trên các yếu tố:

4.1 Thông tin chi tiết của các báo cáo công bố:

Các doanh nghiệp công bố báo cáo thiếu thông tin hữu ích, công bố cho có, giải trình sự biến động như không giải trình sẽ bị đánh giá điểm thấp.

Các anh/chị đầu tư nhiều lúc đọc các báo cáo giải trình sự biến động doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp như không. Nhất là trong kỳ covid vừa rồi, nhiều doanh nghiệp viện cớ chậm công bố báo cáo, rồi chậm ký mới hợp đồng kiểm toán do “tình hình covid”… trong khi đó Vietnam đã bình thường hóa cả 3,4 tháng trước đó rồi. Nói chung là những hành vi kiểu như vậy, chúng tôi sẽ đánh điểm cao cho mức rủi ro loại này.

4.2 Thời gian công bố các loại báo cáo, thông tin trọng yếu

Các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính chậm, hoặc thường xuyên xin gia hạn công bố chậm… sẽ bị đánh giá điểm rủi ro cao hơn. 

4.3 Chất lượng thông tin của các buổi họp cổ đông.

Thậm chí, chưa kể đến chất lượng thông tin về các buổi họp, một số doanh nghiệp trụ sở ở SG, Hà Nội lại đi tổ chức đại hội cổ đông ở Sapa, Tây Nguyên, Đắc lắc… gây khó khăn cho cổ đông đi họp.

Tuy nhiên các doanh nghiệp thể hiện nỗ lực truyền tải các thông tin chi tiết hơn đến nhà đầu tư cá nhân, như công bố các loại báo cáo thường niên chi tiết, giảm việc bất cân đối thông tin giữa ban lãnh đạo và cổ đông nhỏ lẻ. Như việc gửi đến cổ đông kết quả kinh doanh hàng tháng như FPT chẳng hạn. sẽ được đánh giá rủi ro thấp.

5. Các hành vi của ban lãnh đạo:

Một số hành vi của ban lãnh đạo sẽ bị đánh dấu làm tăng rủi ro đạo đức cho doanh nghiệp bao gồm:

+ Thường xuyên phát biểu về giá cổ phiếu của công ty, hay có những phát biểu sốc, bất hợp lý về giá cổ phiếu của công ty mình…

Ví dụ như gần đây gần nhất có một vị lãnh đạo nói về cổ phiếu công ty mình đáng giá 10-20 lần so với hiện tại. Bởi công ty mua được lượng đất canh tác giá rẻ nhiều hecta…  Chúng tôi không hiểu đó là “tầm nhìn” sâu rộng của vị lãnh đạo này hay có ý đồ gì khác?

+ Tiết lộ các thông tin trọng yếu về doanh nghiệp tùy tiện, không qua phương tiện chính thức.

+ Thực hiện chiến lược đầu tư kinh doanh không nhất quán với các công bố trước đó.

+ Các hành vi giao dịch chui của lãnh đạo, người thân liên quan mà không công bố.

Cũng như là thường xuyên công bố và thực hiện mua bán giao dịch cổ phiếu. Ví dụ như mỗi năm lướt sóng một 2 lần vài trăm ngàn đến vài triệu cổ phiếu của công ty mình. Những doanh nghiệp có những người đứng đầu như vậy, chắc chắn sẽ có mức điểm rủi ro ở phần này rất cao.

Tất nhiên là chúng tôi sẽ loại trừ ra việc mua bán cổ phiếu mang tính kỹ thuật cho việc chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn hay đầu tư hoặc một số trường hợp giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân hợp lý. Tuy nhiên năm nay mua vài triệu năm sau lại bán cổ phiếu, nhiều lần như vậy thì chắc chắn không có lý do gì để thông cảm được. 

+ Có cổ phần hoặc lợi ích ở các doanh nghiệp khác, có giao dịch kinh tế với doanh nghiệp hiện tại.

Và lợi dụng vị thế đó để ký kết các hợp đồng kinh tế có lợi cho doanh nghiệp có cổ phần sở hữu ngoài. Làm tổn hại lợi ích kinh tế của cổ đông nhỏ lẻ trong doanh nghiệp. 

6. Các vấn đề khác:

Các vấn đề khác tương đối đa dạng, phụ thuộc vào các sự việc đã diễn ra, hoặc có nguy cơ diễn ra mà Vnstockmarket đã quan sát được, hoặc theo kinh nghiệm của chúng tôi, những hành vi hoặc sự kiện đó có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai, liên quan, nhưng không giới hạn ở các sự việc, vấn đề như:

  • Phá vỡ cấu trúc vốn tài trợ của doanh nghiệp (tiến hành vay nợ quá cao)
  • ESOP và các chi phí khác cho ban lãnh đạo quá cao, bất hợp lý.
  • Các vấn đề liên quan đến kiểm toán
  • Đầu tư các dự án rủi ro quá cao và không liên quan đến ecosytem của doanh nghiệp
  • Các hành động, hành vi kinh doanh tiềm ẩn vi phạm luật kinh doanh

Ứng dụng của bảng đánh giá rủi ro đạo đức các doanh nghiệp:

Bảng điểm được đánh giá dựa trên các tiêu chí nhất quán đã giải thích ở trên. Anh/chị nhà đầu tư có thể quan sát và tự rút ra cách ứng dụng của bảng đánh giá rủi ro, hoặc tham khảo cách sử dụng đơn giản dưới đây của Vnstockmarket dưới đây:

Sử dụng bảng đánh giá rủi ro đạo đức như màng lọc cổ phiếu cho điều kiện cần để ra quyết định đầu tư:

  • Những doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức trên 8 điểm, không phù hợp để đầu tư dưới bất cứ hình thức nào.
  • Doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức trên 6 điểm, không phù hợp để đầu tư dài hạn.

Về ý nghĩa tương đối mức độ điểm rủi ro đạo đức của các doanh nghiệp:

  • Doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức dưới 4 điểm, được cho là doanh nghiệp có rủi ro đạo đức rất thấp đến thấp, tùy theo mức độ điểm. Rủi ro chủ yếu đến từ một số cá nhân trong ban lãnh đạo công ty.
  • Doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức từ 4-6 điểm, được cho là có mức độ rủi ro đạo đức trung bình. Có tiềm ẩn các rủi ro đạo đức hệ thống, đến từ thành phần ban lãnh đạo công ty,
  • Doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức từ 6-8 điểm, được cho là có mức độ rủi ro đạo đức cao. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đạo đức đến từ nhóm cổ đông lớn và ban quản trị của công ty. 
  • Doanh nghiệp có điểm rủi ro đạo đức từ 8 điểm trở lên. Đã có nhiều dấu hiệu, hành vi vi phạm các vấn đạo đức trong quá khứ. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rõ ràng các hành vi này có thể tiếp tục trong tương lai. 

Cập nhập và công bố

Bảng báo cáo được cập nhập hàng tháng và công bố đại chúng 6 tháng một lần. Các sự thay đổi về tiêu chí đánh giá, thời gian công bố và cơ chế tính điểm sẽ được thông tin trên website Vnstockmarket.com và kèm báo cáo này.

Vnstockmarket

Similar Posts