Mục lục
1. Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E là viết tắt của cụm từ Price to Earning Ratio (Tỷ số giá thị trường trên thu nhập) là quan hệ tỷ lệ giữa giá thị trường một cổ phiếu với thu nhập (lợi nhuận sau thuế) của một cổ phiếu.
Chỉ số P/E được xác định bởi công thức:
Ví dụ: Doanh nghiệp A có lợi nhuận sau thuế năm 2020 (trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) là 90.000 triệu đồng. Hội đồng cổ đông đã họp và đưa ra quyết định sẽ sử dụng 10.000 triệu đồng trong số 100.000 triệu đồng trên để chia cổ tức cho Cổ đông ưu đãi. Biết rằng tại thời điểm định giá thì giá thị trường của Cổ phiếu doanh nghiệp A là 80.000 đ/CP, và doanh nghiệp A đang có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy:
Thu nhập một CP thường của doanh nghiệp A năm 2020 là (90.000 – 10.000)/2=40.000đ/CP
-> Chỉ số P/E = 80.000 / 40.000 = 2
2. Ý nghĩa của chỉ số P/E
Cũng giống như chỉ số P/B, chỉ số P/E là một chỉ số quan trọng, là công cụ trong phân tích cơ bán để định giá cổ phiếu doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để có được một đồng thu nhập từ cổ phiếu.
Nếu chỉ số này cao có thể chứng tỏ rằng doanh nghiệp này đang kinh doanh có hiệu quả, nhà đầu tư kỳ vọng rằng trong tương lai công ty sẽ có lợi nhuận cao hơn nên tại thời điểm định giá, họ sẵn sàng trả giá cao để có được đồng thu nhập từ doanh nghiệp này. Và ngược lại, chỉ số này thấp nói lên rằng doanh nghiệp này có thể đang gặp vấn đề về kinh doanh, nhà đầu tư nhận thấy rằng trong tương lại công ty sẽ có sự sụt giảm về lợi nhuận nên họ đánh giá thấp cổ phiếu của doanh nghiệp này trên thị trường.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp thì chỉ số P/E cao lại là biểu hiện của việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả hơn so với các năm trước, lợi nhuận sau thuế giảm khiến cho EPS giảm trong khi thị trường chưa kịp phản ứng với sự giảm sút này của EPS. Từ đó khiến cho chỉ số P/E của doanh nghiệp ở mức cao. Và cũng trong một vài trường hợp, doanh nghiệp có sự phục hồi trong kinh doanh khiến cho hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn so với các năm trước, lợi nhuận tăng khiến cho EPS tăng nhưng thị trường chưa kịp phản ứng lại với sự gia tăng này của EPS nên chỉ số P/E thấp và đây cũng là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp này nếu kỳ vọng các năm sau lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng.
3. Ưu, nhược điểm của phương pháp định giá cổ phiếu thông qua chỉ số P/E
- Ưu điểm:
+ Do cách tính Chỉ số P/E tương đối đơn giản và chỉ tiêu EPS của doanh nghiệp trong công thức tính P/E là một chỉ tiêu quan trọng, có thể phần nào nói lên được mức độ hoat động kinh doanh của doanh nghiệp năm trước nên phương pháp định giá cổ phiếu thông qua chỉ số này rất đơn giản và tương đối hiệu quả, được nhiều nhà đầu tư trên thị trường áp dụng.
+ Ngoài việc tính chỉ số P/E của một doanh nghiệp thì nhà đầu tư cũng có thể tính được chỉ số P/E của toán thị trường do chỉ số VNINDEX được lấy theo tỷ trọng của các cổ phiếu trên sàn. Từ đó các nhà đầu tư cũng có thể đánh giá được tâm lý chung của toán thị trường tại thời điểm định giá để đưa ra quyết định có nên đầu tư không.
- Nhược điểm:
+ Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, bị lỗ (lợi nhuận sau thuế âm) sẽ làm cho EPS âm. Do vậy chỉ số P/E có thể bị âm và trong những trường hợp này thì phương pháp định giá cổ phiếu thông qua chỉ số P/E sẽ không được sử dụng vì rất dễ khiến cho nhà đầu tư bỏ sót các công ty tiềm năng.
+ Do chỉ tiêu EPS dựa trên lợi nhuận sau thuế và cổ tức cho các cổ đông ưu đãi của doanh nghiệp mà các chỉ tiêu trên phụ thuộc vào nghiệp vụ kế toán mà doanh nghiệp ghi nhận và quyết định của đại hội đồng cổ đông khi phân bổ cổ tức ưu đãi. Doanh nghiệp có thể lợi dụng các kĩ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hợp lý để hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy, có thể nói chất lượng EPS là rào cản làm giảm tính hiệu quả của phương pháp định giá này.
Cũng giống như chỉ số P/B, muốn biết doanh nghiệp có chỉ số P/E tốt hay không, các nhà đầu tư nên so sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp đó với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường và so sánh với mức trung bình của ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, nhà đầu tư nên kết hợp nhiều phương pháp đánh giá cổ phiếu khác nữa để có cái nhìn tổng quan hơn về doanh nghiệp đối tượng và giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Từ đó đưa ra quyết định trong việc mua bán cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường một cách hợp lý.
Công Hưng