Tổng lợi nhuận quý 2/2022 của nhóm 30 CTCK top đầu giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so với cuối quý trước và giảm gần 5.000 tỷ đồng so với quý 4 năm ngoái, giai đoạn thị trường sôi động bậc nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi cùng thanh khoản giảm sút, quý 2 vừa qua có thể coi là một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây. Ước tính, tổng lợi nhuận trước thuế của top 30 công ty chứng khoán hàng đầu đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận quý 2 của nhóm chứng khoán giảm hàng nghìn tỷ so với quý trước, hầu hết các công ty đều tăng trưởng âm - Ảnh 1.

So với quý liền trước, tổng lợi nhuận của nhóm 30 CTCK trên đã giảm khoảng 4.000 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn lên đến gần 5.000 tỷ đồng nếu so với quý 4 năm ngoái – giai đoạn thị trường sôi động bậc nhất từ trước đến nay.

Thời điểm đó, không chỉ lợi nhuận các CTCK bùng nổ mà cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau lập đỉnh, nhiều cái tên có vốn hóa trên 10.000 tỷ, thậm chí lên đến hàng tỷ USD. Dù vậy, những con số trên hiện chỉ còn chưa đến một nửa khi hầu hết cổ phiếu chứng khoán đều đã giảm sâu cùng với chiều đi xuống của lợi nhuận.

Lợi nhuận quý 2 của nhóm chứng khoán giảm hàng nghìn tỷ so với quý trước, hầu hết các công ty đều tăng trưởng âm - Ảnh 2.

Cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào quý 4 năm ngoái

Sau khi đạt đỉnh, lợi nhuận của hầu hết các CTCK (trừ một vài cái tên cá biệt như TCBS) bắt đầu có dấu hiệu chững lại từ quý đầu năm nay. Thị trường nhiều lần vượt đỉnh bất thành bên cạnh sự hạ nhiệt của thanh khoản đã bắt đầu ảnh hưởng phần nào đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán.

Tác động ngày càng trở nên rõ rệt hơn trong quý 2 vừa qua khi hầu hết CTCK đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ và đương nhiên phần lớn các con số cũng giảm mạnh so với 2 quý liền trước. Thậm chí, nhiều CTCK còn lỗ nặng do tự doanh kém hiệu quả, điển hình như Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Chứng khoán ACBS, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Chứng khoán SHS, Chứng khoán Liên Việt (LVS),…

Một loạt cái tên đáng chú ý như Chứng khoán SSI (-26%), VCSC (-30%), FPTS (-58%), TCBS (-17%), VIX (-47%),… đều báo lãi giảm hàng chục %, thậm chí có những khoản lợi nhuận “bốc hơi” đến hơn 80% so với cùng kỳ như trường hợp của BSC (-99%), VietinBank Securities (-98%), Agriseco (-90%), VCBS (-87%), BVSC (-82%). Sau 4 quý liên tiếp có đại diện góp mặt trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ, nhóm chứng khoán đã không còn giữ được phong độ trong quý 2.

Lợi nhuận quý 2 của nhóm chứng khoán giảm hàng nghìn tỷ so với quý trước, hầu hết các công ty đều tăng trưởng âm - Ảnh 3.

Lợi nhuận của hầu hết CTCK đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ và cả quý trước

Chiều ngược lại, vẫn có những điểm sáng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý vừa qua. VNDirect (VND) báo lãi quý 2 tăng 32% tự doanh vẫn ổn với chủ lực danh mục là cổ phiếu PTI ngược dòng trong khi VPS và 3 CTCK nước ngoài là Mirae Asset, KBSV và Maybank đều tăng trưởng nhờ lãi cho vay và phải thu. Tuy nhiên, quán quân tăng trưởng lại thuộc về Smart Invest (AAS) với lợi nhuận gấp hàng chục lần so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán có phần đỡ ảm đạm hơn nhờ khoảng thời gian dễ thở trong quý 1. Ngoài SSI và HSC báo lãi giảm nhẹ, các CTCK trong top đầu đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Ngược lại, SHS thoát lỗ nhưng lợi nhuận 6 tháng đã giảm mạnh đến 95% trong khi ACBS và VDSC lỗ cả quý 2 và 6 tháng đầu năm.

Lợi nhuận quý 2 của nhóm chứng khoán giảm hàng nghìn tỷ so với quý trước, hầu hết các công ty đều tăng trưởng âm - Ảnh 4.

Bức tranh lợi nhuận 6 tháng có phần bớt ảm đạm hơn

Thời điểm cuối quý 2, dư nợ cho vay tại các CTCK còn khoảng 150.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay margin chiếm khoảng 140.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán. Dư nợ margin trên toàn thị trường ước tính giảm khoảng 42.000 tỷ so với cuối quý 1. Tuy nhiên, lãi từ cho vay và phải thu của phần lớn CTCK vẫn ghi nhận tăng trưởng cho thấy áp lực call margin chủ yếu xảy ra vào cuối quý.

Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK vào cuối quý 2 ước tính cũng đã giảm 20.000 tỷ so với cuối quý trước, đạt khoảng 80.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý, đang nằm sẵn trong tài khoản và chưa thực hiện giải ngân tại thời điểm 30/6.

Hà Linh / Cafef

Theo Nhịp sống kinh tế

Similar Posts