rui ro dao duc tu doanh nghiep

Trong bài viết phần 1 đã đề cập đến tính rủi ro đạo đức khi sử dụng dịch vụ đầu tư chứng khoán từ các tổ chức tài chính. Ở phần 2, xin đề cập đến tính rủi ro đạo đức liên quan trực tiếp đến các khoản mục đầu tư trong tài khoản, tức là từ phía các doanh nghiệp phát hành chứng khoán.

Rủi ro đạo đức này thường chủ yếu đến từ ban lãnh đạo và các cổ đông kiểm soát (cổ đông lớn) những người thực sự quyền điều hành, giám sát và đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh cho công ty.

Bảng đánh giá rủi ro đạo đức các doanh nghiệp niêm yết

Bảng đánh giá rủi ro đạo đức doanh nghiệp niêm yết

Các hành vi thiếu đạo đức trong đầu tư xảy ra ở các doanh nghiệp gồm:

  1. Lợi nhuận/doanh thu ngoài sổ sách:
    Không hạch toán hết doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp vào sổ sách gây thiệt hại cho lợi ích cổ đông nhỏ lẻ – những người không trực tiếp tham gia điều hành công ty.
    Đây là tình trạng phổ biến của nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam, nhằm mục đích chủ yếu là trốn thuế và thu lợi cá nhân từ các giao dịch bên ngoài. Tuy nhiên ngay cả những doanh nghiệp lớn trên sàn, chúng tôi cũng không dám khẳng định họ hoàn toàn trong sạch về vấn đề này.
  2. Chuyển lãi, doanh thu và các lợi ích kinh tế khác sang công ty khác:
    Trường hợp này có thể xảy ra khi cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo của doanh nghiệp đồng thời có sở hữu các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp khác có thể là đối tác kinh doanh, khách hàng, nhà cung cấp, cũng có thể là đối thủ cạnh tranh trong ngành. Việc ký kết các hợp đồng kinh tế, giao dịch sẽ dành nhiều phần lợi cho các công ty sở hữu ngoài đó. Kết quả là giảm khả năng sinh lời của công ty đầu tư, thiệt hại cổ đông nhỏ.
    Các hành vi rủi ro đạo đức trong đầu tư chứng khoán đến từ doanh nghiệp
  3. Ngụy tạo số liệu tài chính, kế toán.
    Những người lắm quyền điều hành công ty có thể làm đẹp hoặc xấu hơn các số liệu tài chính của công ty với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh với nhiều mục đích:

    – Dễ dang hơn cho việc huy động thêm vốn: phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, vay nợ ngân hàng
    – Điều khiển, lũng đoạn giá cổ phiếu trên thị trường
    – Đạt/vượt chỉ tiêu để nhận thêm thưởng hoặc các lợi ích khác trong nhiệm kỳ quản lý, điều hành hoặc cũng có thể để kéo dài nhiệm kỳ quản lý…
    Điều đó làm sai lệch thông tin dẫn đến đưa ra các quyết định đầu tư thiếu chính xác đồng thời cũng làm mất hiệu quả và niềm tin vào thị trường chứng khoán.
  4. Tham giao dịch mua bán cổ phiếu thường xuyên, các hành động này bao gồm:
    – Thường xuyên công bố thông tin mua, bán cổ phiếu của công ty
    – Mua bán giao dịch không thông báo với sở giao dịch
    – Sử dụng nhiều tài khoản khác nhau dưới tên của nhiều người khác (mà không đăng ký với sở giao dịch các mối quan hệ liên quan) để giao dịch mua bán tránh phải công bố thông tin.
    Đây cũng là hành vi rất phổ biến và dấy lên nhiều vấn đề nhức nhối ở thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi đó các hình phạt của Ủy ban chứng khoán dường như chưa đủ sức nặng so với các nguồn lợi bất chính mà các lãnh đạo vô đạo đức có thể thu được.

Các hành vi rủi ro đạo đức sẽ dễ dàng xảy ra hơn nếu:

Dấu hiệu vi phạm đạo đức trong đầu tư chứng khoán

  • Cơ cấu cổ đông cô đặc (số ít cổ đông chiếm phần lớn cổ phần)
    Trong đó cổ đông lớn kiểm soát công ty đồng thời trực tiếp tham gia điều hành kinh doanh (thành viên ban quản trị kiêm tổng giám đốc, giám đốc tài chính, giám đốc điều hành…). Điều này giúp nhóm cổ đông kiểm soát dễ dàng chi phối mọi hoạt động của công ty, dễ dàng thực hiện hơn.
  • Ban lãnh đạo sở hữu chéo các công ty khác
    Cổ đông kiểm soát, thành viên ban điều hành, đồng thời sở hữu cổ phần các công ty khác có các giao dịch kinh tế thường xuyên, hoặc sở hữu các công ty cạnh tranh khác.
  • Khách hàng, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, có quan hệ kinh doanh trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân.
    Như đã đề cập ở trên, thực tế hiện tại các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, cá nhân ở Việt Nam kinh doanh thường không xuất đúng đủ các hóa đơn chứng từ nhằm mục đích trốn thuế. Do vậy khi kinh doanh với các đối tác như vậy, thường các công ty dễ dàng giữ lại các doanh thu, lợi nhuận ngoài sổ sách hơn.
  • Sử dụng dịch vụ của các công ty kiểm toán nhỏ, thường xuyên thay đổi công ty kiểm toán.
    Ngay cả những công ty kiểm toán hàng đầu ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra các vụ tai tiếng về vấn đề đạo đức kiểm toán, khi chịu áp lực từ khách hàng là công ty đi sử dụng dịch vụ. Với công ty kiểm toán nhỏ đã rất khó để tìm kiếm khách hàng, thì thật khó để họ giữ được tính chính trực trước những yêu cầu “nhạy cảm” của khách hàng.
  • Khả năng kiểm soát và các chế tài xử phạt
    Như đã đề cập ở trên cơ chế xử phạt và giám sát của pháp luật chứng khoán là yếu tố quan trọng để giảm thiểu các hành vi vô đạo đức này. Đặc biệt với các hành vi bán chui cổ phiếu, lũng đoạn giá, sử dụng tiểu khoản chứng khoán ẩn danh để giao dịch chuộc lợi cá nhân… khá phổ biến ở Việt Nam.

Việc giao dịch những cổ phiếu có dấu hiệu rủi ro này, không những tiềm ẩn rủi ro mất vốn cho nhà đầu tư, mà vô hình dung chúng ta như tiếp tay cho các hành vi kiếm tiền vô đạo đức của những kẻ như vậy. Điều đó làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán, làm giảm hiệu quả huy động vốn, hiệu suất đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới đà phát triển kinh tế của quốc gia.

Các loại rủi ro đạo đức thường gây nhiều thiệt hại cho cổ đông thiểu số, những người không đủ quyền biểu quyết và khả năng theo sát các thông tin của doanh nghiệp, đồng thời cũng không có nhiều kinh nghiệm đầu tư. Hi vọng trong tương lai, với sự phát triển của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp đáng tin cậy, có thể đảm bảo lợi ích tốt hơn cho tất cả nhà đầu tư cá nhân.

 

Vnstockmarket

Similar Posts