Phan tich dinh gia nganh ngan hang vnstockmarket

Bài viết được trích đoạn trong bản thảo: Thấu hiểu nền kinh tế qua trạng thái 12 ngành nghề lớn – dược sử dụng như tài liệu cho khóa học Phân tích cổ phiếu chuyên sâu Q3/2023 giúp học viên xây dựng nền tảng, trước khi phân tích cổ phiếu chuyên sâu.

Như chúng tôi đã đề cập, không chỉ phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng, mà ở bất cứ ngành nghề nào, nền tảng đầu tiên để phân tích và định giá chuyên sâu một cổ phiếu, doanh nghiệp hay một khoản mục đầu tư nào, đều cần:

(1) Thấu hiểu mô hình kinh doanh doanh nghiệp,

(2) Thấu hiểu các thị trường kinh doanh liên quan

Bài viết dưới đây hi vọng hỗ trợ anh chị và các bạn hiểu rõ hơn về 2 điểm trên trên góc độ đầu tư, giúp tạo nền tảng cho việc phân tích và định giá chuyên sâu cổ phiếu ngân hàng.

Ngân hàng là một ngành dịch vụ tài chính, có lịch sử lâu đời bậc nhất trên thế giới. Hoạt động ngân hàng tuân theo hệ thống luật pháp kinh doanh chặt chẽ, riêng biệt (tại Việt Nam là Luật các tổ chức tín dụng). Đồng thời, được quản lý và giám sát bởi một trong những tổ chức quyền lực, có sức ảnh hưởng lớn bậc nhất, đến trạng thái kinh tế vĩ mô – Ngân hàng nhà nước (NHNN) ở Việt Nam hay Cục dự trữ liên bang (FED) ở Hòa Kỳ, thông qua việc điều tiết chính sách tiền tệ.

ngành ngân hàng việt nam

Ảnh: internet

I. Thấu hiểu mô hình kinh doanh cổ phiếu Ngân Hàng (NH)

Ngân hàng kiếm tiền từ 2 mảng kinh doanh chính:

A. Mảng phi tín dụng (các hoạt động ngoài vay và đi vay)

B. Mảng tín dụng (vay và đi vay)

A. Các mảng kinh doanh phi Tín dụng của ngân hàng:

Ngân hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do khả năng cung vốn từ các kênh khác như: Thị trường chứng khoán, private equtity… còn nhiều hạn chế. Đặc biệt với cá nhân và các DN vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam, ngoài kênh ngân hàng, rất khó tìm kiếm nguồn kênh vay vốn nào khác thay thế.

Do vậy, phần lớn các ngân hàng thương mại trên thị trường, dù lựa chọn tệp khách hàng hay khẩu vị rủi ro nào, nhưng cũng đều xây dựng mô hình kinh doanh tín dụng bán kèm các dịch vụ phi tín dụng khác, như:

  1. Bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)
  2. Bán chéo sản phẩm bảo hiểm – Bancassurance
  3. Dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) – Tư vấn, ủy thác phát hành trái phiếu…

Mô hình này trở lên vô cùng hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng dễ dàng, nhờ lợi ích đối ứng trên/dưới đây:

1’ Lợi nhuận chắc chắn, giảm rủi ro tín dụng thấp trực tiếp

2’ Gia tăng doanh thu, tối ưu mô hình kinh doanh

3’ Tối ưu nguồn thu từ người bán (DN)

Do vậy khi phân tích & định giá cổ phiếu ngành ngân hàng, việc đánh giá mức độ tương quan (hệ số tương quan – correlation trong model) giữa các loại dịch vụ trong hệ sinh thái của họ là trọng yếu. Bởi triển vọng tăng trưởng của mảng kinh doanh này, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của mảng kinh doanh của mảng khác (triển vọng tăng trưởng quy mô), mà đồng thời còn ảnh hưởng kép đến biên lợi nhuận (khả năng tối ưu lợi nhuận).

Video Phân tích cổ phiếu ngân hàng Techcombank (TCB)

1. Mảng kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)

1.1 Tình hình thị trường gần đây:

Hoạt động phát hành cải thiện…

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại TPDN đã bán…

Theo thống kê của FiinGroup, giá trị phát hành trong quý 3 và nửa đầu quý 4.2023 là hơn 161.000 tỷ đồng, tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023. Riêng quý III.2023, giá trị phát hành TPDN thị trường sơ cấp tăng 180% so với cùng giai đoạn năm 2022.

Trước đó, theo số liệu tổng hợp của công ty chứng khoán VND, trong Q2/23 có 12 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 8.736 tỷ đồng, giảm 69,2% so với Q1/23, và giảm 92,4% svck. Trong đó có 11 đợt phát hành riêng lẻ (PHRL) với tổng giá trị phát hành là 6.736 tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng giá trị phát hành.

…nhưng chủ yếu phát hành TP cho tổ chức:

Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức, chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Trên thị trường thứ cấp tính đến 30/6/2023, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).

à Bản chất ngân hàng mua lại trái phiếu DN của chính khách hàng của họ, giúp DN có dòng tiền đảo nợ và duy trì hoạt động kinh doanh.

à Nợ vay từ ngoài hệ thống tín dụng, chảy vào hệ thống tín dụng, khiến tăng trưởng tín dụng khối KHDN tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng, đặc biệt các NH có tệp khách hàng là DN BĐS, (Techcombank tăng ~50% dư nợ tín dụng KHDN) .

Vấn đề này đang tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn. Trong quá trình phân tích & định giá cổ phiếu ngân hàng, cần phải phản ánh & liên kết các số liệu này ở Thị trường TPDN vào mức tăng trưởng thu nhập cho vay của Ngân hàng.

Hoạt động mua lại trước hạn bắt đầu chững lại

Trong tháng 11, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng, giảm 82% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 197.660 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng 47% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành Bất động sản và xây dựng lần lượt chiếm tỷ trọng 15% và 14%.

Trước đó, tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong Q2/23 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với Q1/23 và tăng 4,9% svck. Tốc độ mua lại TPDN trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5.

Trong quý 2 nhóm Ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đổng TPDN trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong Q2/23. Trước đó trong Q1/23 nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.

Vấn đề chậm nghĩa vụ thanh toán TPDN nhiều khả năng vẫn kéo dài

Tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Theo MBS, ước tính tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Cho đến khi nào vấn đề này còn tồn tại, model định giá cổ phiếu cần phân tách rõ ràng và lượng hoá mức độ ảnh hưởng cụ thể đến giá cổ phiếu.

1.2 Xu hướng thị trường kinh doanh:

Trong dài hạn, chúng tôi vẫn chưa thấy bất cứ kênh dẫn vốn nào có thể lung lay vị thế của các ngân hàng. Bên cạnh đó các hình thức vay vốn hay kênh dẫn vốn khác, nếu không phải lợi ích của các ngân hàng đứng sau, thì họ hoặc các công ty thành viên thuộc NH, cũng là chủ thể cung cấp các dịch vụ vay vốn:

  1. Công ty tài chính (FECREIT, HD SAIGON, MB CREDIT…)
  2. Công ty chứng khoán:

Khoản 19, Điều 4, Luật Chứng khoán 2019, quy định bắt buộc tổ chức phát hành phải có công ty chứng khoán tư vấn. Cũng theo luật chứng khoán 2019, cổ đông sáng lập của công ty chứng khoán bắt buộc phải là ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính chuyên nghiệp khác: Quỹ đầu tư, công ty chứng khoán nước ngoài… Nên phần lớn các ngân hàng đều hoặc đã từng sở hữu một công ty chứng khoán:

hầu hết mỗi ngân hàng đều sở hữu công ty chứng khoán Phân tích chuyên sâu cổ phiếu ngân hàng
CTCK – Mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh doanh của các NH

Nên khi một doanh nghiệp bất kỳ muốn huy động chứng khoán nợ (đi vay), thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Bởi không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn là tìm một ngân hàng (đơn vị giúp bán trái phiếu) sở hữu một công ty chứng khoán (công ty tư vấn bắt buộc theo luật).

Chúng tôi cho rằng, mặc dù hiện tại thị trường TPDN có thể rơi vào bế tắc trong ngắn và trung hạn (sau khi Ngân Hàng Nhà Nước ra hàng loạt thông tư siết chặt thị trường TPDN, và người dân cảnh giác cao).

Tuy nhiên khi nền kinh tế ấm lên hoặc thị trường BĐS hồi phục, khách hàng của TCB, VPB, MBB là các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), khi có nhu cầu vay vốn cao để phát triển dự án mới, thì thị trường TPDN có thể dễ dàng sôi động trở lại. Tuy nhiên, hình thức và giải pháp phát hành nhiều khả năng sẽ thay đổi:

  • Từ bántrực tiếp TPDN cho KH cá nhân à Bán cho Tổ chức (Ngân hàng, Quỹ đầu tư, công ty tài chính, DN khác…).
  • Khách hàng cá nhân sẽ mua gián tiếp TPDN thông qua các quỹ trái phiếu: TCBS, Dragon Capital, Vina Capital… thay vì mua trực tiếp từ DN phát hành.

Kéo theo đó, các chủ thể ngân hàng với thế mạnh “dàn xếp” tín dụng như đã nói ở trên, vẫn đóng vai trò trung tâm trong quá trình này. Do vậy, chủ quan chúng tôi cho rằng, khi TT TPDN hồi phục thì tiềm năng kinh doanh của NH cũng sẽ phục hồi tương ứng, chỉ có điều:

  • Mô hình kinh doanh sẽthay đổi: Thay vì có thể dễ dàng Giảm thiểu rủi ro tín dụng trực tiếp, bằng cách bán trái phiếu riêng lẻ cho khách hàng cá nhân, thì ngân hàng phải trực tiếp tham gia cho vay vốn (NH tham gia mua bán trái phiếu, hoặc xây dựng các quỹ đầu tư TPDN để bán lẻ, thông qua công ty chứng khoán sở hữu).
  • Biên lợi nhuận gộp của NHcó thể tăng do: lãi suất cho vay trừ đi chi phí huy động (~3.7% NIM trung bình toàn ngành) lớn hơn biên lợi nhuận bán lẻ TPDN (2-3%). Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng mảng kinh doanh này có thể giảm mạnh, sau khi trừ đi chi phí nợ xấu phát sinh sau đó.

–> Môi trường kinh doanh mảng TPDN nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn trong dài hạn.

tình hình thị trường TPDN quý 3 2023

Như vậy chủ quan chúng tôi cho rằng, khả năng trong ngắn hạn mảng môi giới TPDN của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn (bán cho KHCN). Trong dài hạn, môi trường kinh doanh & quy định pháp luật cũng trở lên chặt chẽ hơn, khiến lợi nhuận biên ròng ở mảng này của nhiều ngân hàng giảm sút.

Đối với cổ đông, điều này rõ ràng là không tốt, đặc biệt đối với Techcombank, MB Bank, TPBank… những ngân hàng chiếm thị phần lớn hoặc sở hữu các công ty chứng khoán có tỷ trọng doanh thu lớn từ mảng dịch vụ này.

2. Mảng kinh doanh sản phẩm bảo hiểm:

2.1 Trạng thái thị trường hiện tại:

Năm 2022, hàng loạt ngân hàng báo lãi cao, trong đó tỷ trọng lớn đến từ dịch vụ bảo hiểm (BH). Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có lãi trước thuế là 18.155 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ BH đạt 10.185 tỉ đồng, cao hơn gần 1.800 tỉ đồng so với doanh thu 8.386 tỉ đồng của năm 2021.

Như vậy, chỉ sau 2 năm doanh thu từ BH tại MB đã tăng gấp đôi. Cụ thể năm 2019, NH này thu từ dịch vụ BH mới đạt 4.202 tỉ đồng, đến 2020 là 5.849 tỉ đồng. Nguồn thu từ BH hiện chiếm tới 71,5% doanh thu từ mảng dịch vụ chung của MB trong khi năm 2021 tỷ lệ này mới đạt 68%.

mảng kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng phân tích cổ phiếu ngân hàng

Theo: Báo Thanh Niên

2015-2021 là giai đoạn “vàng” của mô hình bancassurance – bán chéo bảo hiểm tại ngân hàng. Bancassurance ở Việt Nam được triển khai dưới hai mô hình:

  • Hoặc tư vấn viên của hãng bảo hiểm sẽ tiếp nhận khách hàng từ nhân viên nhà băng giới thiệu sang;
  • Hoặc nhân viên ngân hàng phụ trách toàn bộ quy trình, từ khâu giới thiệu đến tư vấn.

Dù theo mô hình nào, hãng bảo hiểm cũng sẽ trả ngay một khoản phí upfront, còn được gọi là phí lót tay cho ngân hàng.

phi upfront lot tay linh vuc bao hiem cho cac ngan hang

Tuy nhiên sau các “scandal lùm xùm”, các lệnh cấm và thanh tra của NHNN, doanh thu phí bảo hiểm từ các NH đã giảm mạnh, trong nửa đầu năm 2023.

doanh thu phí bảo hiểm của cổ phiếu ngân hàng

2.2 Xu hướng TTKD mảng bảo hiểm trong tương lai:

2.2.1 Bản chất các vấn đề hiện tại: 

a, Tại sao ngân hàng lại có thể “ép” khách hàng mua bảo hiểm?

tại sao ngân hàng có thể ép khách hàng mua bảo hiểm

Như đã nói ở trên, vị thế của ngân hàng trong nền kinh tế VN đối với khách hàng cá nhân là không thể thay thế. Khách hàng nếu không vay NH, rất khó vay được nguồn vốn nào khác, với chi phí tương đương. Gần như khách hàng chỉ có thể chọn ngân hàng này hoặc chọn ngân hàng khác, nhưng rất tiếc là NH nào cũng “bán bia kèm lạc”. Thực sự để tìm một NH giải ngân không kèm điều kiện mua bảo hiểm cho KH cá nhân, là quá khó trong giai đoạn trước năm 2022.

b, Tại sao NH nào cũng bán bảo hiểm?

Đọc đến đây nhiều anh chị kinh doanh sẽ sớm nghĩ trong đầu, nếu mình làm Chủ tịch ngân hàng, sẽ ra chiến lược kinh doanh cạnh tranh với các ngân hàng khác bằng việc cho vay không kèm mua bảo hiểm, khả năng cao sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Đúng là rất hợp lý, nhưng tìm kiếm khách hàng vay vốn không phải là vấn đề của ngân hàng.

Trong các video phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng trên kênh youtube Vnstockmarket. Chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến việc tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ bị giới hạn bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng  từ Ngân Hàng Nhà Nước.

Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết các ngân hàng có tình trạng hoạt động bình thường đều có thể dễ dàng tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa, thậm chí vượt xa hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp và bị NHNN “nhắc nhở” trong giai đoạn 2018-2021.

han muc tang truong tin dung la mot trong nhung ly do khong ngan hang nao tu chot ban kem bao hiem

xếp hạng nguồn thu bảo hiểm của các ngân hàng

Trong bối cảnh như vậy, điểm mấu chốt trong mô hình kinh doanh, mà NĐT cổ phiếu cần lưu ý, không nằm ở việc tăng trưởng quy mô. Mà nằm ở chiến lược kinh doanh làm thế nào để tối ưu nguồn thu; tối ưu lợi nhuận nhất. Do tăng trưởng bán bia (cho vay) bị giới hạn, việc bán kẹm được bao nhiêu “lạc” (bán kèm bảo hiểm), sẽ quyết định sự khác biệt về hiệu quả kinh doanh giữa các ngân hàng.

Đó là lý do mà không ngân hàng nào “từ chối” bán kèm bảo hiểm cho khách hàng khi vay, thậm chí còn cho rằng, đây là điều kiện “dĩ nhiên” nếu khách hàng muốn giải ngân sớm, khi cầu lớn hơn cung.

c, Liệu các ngân hàng có thể tiếp tục dễ dàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm?

Vừa qua thu nhập từ bảo hiểm của các NHTM giảm mạnh, do 2 lý do chính:

  • Tâm lý đề phòng từ khách hàng sau các vấn đề “lùm xùm” từ sản phẩm bảo hiểm;
  • NHNN đẩy mạnh thanh tra, gây sức ép đến các NHTM

Trong ngắn hạn, 2 yếu tố trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục là rào cản khiến thu nhập bán bảo hiểm của NH giảm mạnh.

Thêm vào đó 2 vấn đề mang tính dài hạn dưới đây, nếu kéo dài có thể tiếp tục khiến mảng kinh doanh này của NH kém đi:

2.2.2 Tình trạng khó tăng trưởng tín dụng của các NH có thể kéo dài hơn dự kiến:

Trái ngược với khoảng thời gian trước 2023 như đã nói: nhu cầu đi vay lớn hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Từ đầu năm 2023, tình trạng ngân hàng cần giải quyết “tiền tồn kho” ngày càng lớn, và có thể tiếp tục lớn hơn nhu cầu đi vay của khách hàng nói chung, đặc biệt với các ngân hàng có tỷ lệ cho vay KHCN cao.

Do đó khả năng “ép” khách hàng mua bảo hiểm có thể sẽ giảm mạnh. Một số NH “ế tiền” đã bắt đầu lấy việc vay không cần mua bảo hiểm làm điểm cạnh tranh, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.

2.2.3 Các kênh bán bảo hiểm lành mạnh và cạnh tranh hơn từ các công ty công nghệ, start-ups, tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Có thể khiến biên lợi nhuận và tỷ lệ hoa hồng cho các NH suy giảm, đồng thời các chi phí phát sinh khác để NH bán được bảo hiểm (hy sinh lãi suất cho vay, tăng chi phí môi giới cho nhân viên…) sẽ gia tăng.

Như vậy, về mảng kinh doanh này chủ quan chúng tôi cho rằng, các nhà Bank không chỉ gặp khó khăn trong ngắn hạn, mà trong tưng lai, lợi nhuận biên cũng như doanh số bán chéo các sản phẩm bảo hiểm, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

3. Các mảng dịch vụ khác

Đó là 2 mảng dịch vụ phi tín dụng hiện nay đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho ngành ngân hàng, và cũng là 2 mảng đang gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh của ngành cũng như giá cổ phiếu. Ngoài ra NH còn cung cấp một số mảng dịch vụ phi tín dụng khác:

  • Dịch vụ tiền mặt, thanh toán, tài khoản…
  • Dịch vụ thẻ
  • Dịch vụ giao dịch ngoại tệ
  • Thư tín dụng…

Đây là những mảng dịch vụ truyền thống của ngân hàng, trong đó một số mảng dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào chính sách kinh doanh đặc thù của mỗi ngân hàng và ở từng thời kỳ khác nhau, cũng như xu hướng gia tăng cạnh tranh hay gia tăng harvest trong ngành.

Trong các buổi đào tạo phân tích cổ phiếu chuyên sâu, chúng tôi xin hướng dẫn cụ thể hơn cách xác định tình trạng và nhận định xu hướng thị trường kinh doanh ở các mảng dịch vụ này.

B. Mảng tín dụng vay và cho vay.

  1. Thấu hiểu mô hình kinh doanh tín dụng của NH:

thấu hiểu mô hình kinh doanh của ngân hàng
Ảnh: Vnstockmarket

Đây là mảng kinh doanh xương sống, dựa vào đó NHTM có thể phát triển các dịch vụ phi tín dụng khác đã đề cập ở trên. Về cơ bản, NHTM kiếm thu nhập bằng việc ăn chênh giữa lãi suất cho vay đầu ra và lãi suất huy động đầu vào.

Thông thường đối với các NHTM ngoài khối NH có vốn nhà nước lãi suất cho vay đầu ra (về tổng thể chi phí và điều kiện cho vay), thường không quá chênh lệch.

Sự khác biệt chủ yếu đến từ khả năng huy động vốn giá rẻ (chi phí nguồn vốn đầu vào – COF), qua đó cũng thể hiện được rõ ràng vị thế, hiệu quả chiến lược kinh doanh, và năng lực cạnh tranh của mỗi ngân hàng trong khối nhà băng.

Cho mục đích phân tích & định giá cổ phiểu, có thể phân loại 2 nguồn vốn đầu vào, mà NH huy động:

1.1 Tiền gửi không kỳ hạn:

Các khoản tiền vãng lai, chủ yếu trên tài khoản thanh toán của khách hàng (cá nhân, DN), thông thường NH phải trả lãi suất rất thấp ~ 0.03%/năm, trừ một số giai đoạn đặc biệt.

Giai đoạn 2022, khi hệ thống ngân hàng “khủng hoảng” thanh khoản, nhiều ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn gấp 33 lần, lên ~ 1% để hút tiền về, giải quyết vấn đề cho thanh khoản cạn kiệt.

Do vậy, đây được coi là nguồn vốn giá rẻ nhất cho các ngân hàng, được đo bằng tỷ lệ CASA = Tổng tiền gửi không kỳ hạn / Tổng vốn huy động.

CASA các ngân hàng thương mại phân tích cổ phiếu ngân hàng

MBB, TCB, VCB, MSB và ACB là 5 NH thường xuyên đứng đầu tỷ lệ CASA. Source: VND Reseach.

Những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như: Techcombank, MBbank thường luôn có hiệu quả kinh doanh mảng tín dụng (đo lường bằng chỉ số NIM) cao vượt trội so với ngành.

Ngoại trừ trường hợp của các ngân hàng có các công ty tài chính VPBank, HDBank… Khi hợp nhất báo cáo tài chính tỷ lệ NIM sẽ nới rộng mạnh so với các NH khác. Do các công ty cho vay tài chính như FE Credit, HDBank có NIM cao hơn 3-5 lần ngân hàng mẹ. Nếu có dịp phù hợp, chúng tôi xin chia sẻ chi tiết sau về sự khác biệt loại hình kinh doanh của các DN này với Ngân hàng thương mại.

Thống kê NIM của các NHTM 2018-2022. Source Vnstockmarket
Thống kê NIM của các NHTM 2018-2022. Source Vnstockmarket

Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp, huy động vốn chủ yếu bằng tiền gửi có kỳ hạn, với mức chi phí trung bình tuỳ từng thời kỳ ~ 4-7%/năm, sẽ dễ bị “tổn thương” trong ngắn hạn khi lãi suất điều hành giảm. Như LPB, SHB…

Điều này dễ thấy trong giai đoạn đầu nửa năm 2023 (1H2023), khi:

  • Thanh khoản ngân hàng dư thừa (đo lường quachỉ số LDR2);
  • Nhu cầu vay vốn yếu;
  • Tăng trưởng tín dụng khó khăn.

(*)Trong bối cảnh như vậy, nếu NHNN giảm lãi suất điều hành, xu hướng lãi suất cho vay đầu ra sẽ giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động vốn, dẫn đến chỉ số NIM giảm mạnh.

Do vậy việc nâng cao tỷ lệ CASA, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, nên hầu hết các NHTM lớn khối tư nhân đều cố gắng tối ưu tỷ lệ này, bằng việc đầu tư mạnh mẽ cho: Công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở… Trong bối cảnh:

Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua.

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong ba tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.

Đáng chú ý, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị. Theo báo nhandan.vn

Mở rộng chủ đề, các vấn đề cần xác định trong quá trình phân tích & định giá cổ phiếu:

  • Tỷ lệ CASA càng lớn àChi phí huy động vốn càng thấp à Hiệu quả kinh doanh càng cao. Tuy nhiên nếu Ngân hàng huy động vốn quá phụ thuộc vào tỷ lệ CASA, sẽ gây ra những rủi ro gì? (Rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động…)
  • Những chính sáchđiều chỉnh cần lưu ý đối với những cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ CASA cao?
  • Tại sao Techcombank, MB Bankcó tỷ lệ CASA vượt trội, các chiến lược kinh doanh, hệ sinh thái TCB, MBB hướng đến xây dựng trong thời gian tới có tiếp tục phù hợp, để giữ tỷ lệ CASA cao hay không?
  • Những xu hướng cạnh tranh trong & ngoài ngành Ngân hàng có ảnh hưởng đến tỷ lệ CASA.
  • Ngân hàng nào còn tiềm năng nâng cao tỷ lệ CASA trong tương lai, để hiệu quả kinh doanhcòn dư địa tăng trưởng mạnh?

Đây là những vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cổ phiếu ngành Ngân hàng trong dài hạn, NĐT cần theo dõi diễn biến vận động của ngành, để có thể đưa ra các đánh giá sát sườn nhất (mang tính chủ quan), trong các buổi đào tạo, chúng tôi sẽ hướng dẫn NĐT cách phản ánh các quan điểm & nhận định ở trên, vào model định giá.

1.2 Tiền gửi có kỳ hạn

Những ngân hàng nhỏ thường phải cạnh tranh, thu hút tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất cao hơn đáng kể so với các ngân hàng lớn.

Theo quan sát của Vnstockmarket, trong phần lớn giai đoạn của chu kỳ kinh tế, mức chênh lệch lãi suất này rơi khoảng 2.1%-3.8%, giữa ngân hàng có lãi suất huy động vốn cao nhất và thấp nhất.

lai suat ngan hang

Thống kê lãi suất tiền gửi tiết kiệm T8/2023. Source: NHTM

Tỷ lệ CASA thấp và phải phụ thuộc vào nguồn vốn tiền gửi có kỳ hạn có mức chi phí cao, là nguyên nhân khiến các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ NIM rất thấp (ngoại trừ khối ngân hàng cổ phần nhà nước), dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan, dễ thua lỗ ở mảng kinh doanh tín dụng.

Chúng tôi cho rằng sau biến cố ngân hàng SCB, vấn đề lo ngại an toàn thanh khoản, an toàn tiền gửi… của các thành phần kinh tế đối với các NHTM càng lớn, điều này lại càng bất lợi cho các ngân hàng nhỏ, ở mảng kinh doanh tín dụng này.

1.3 Các nguồn vốn khác

Bên cạnh 2 nguồn huy động tiền gửi ở trên, các NHTM còn có thể huy động vốn từ:

  1. Kênh liên ngân hàng (vay từ NHTM khác)
  2. Ngân hàng Nhà nước
  3. Phát hành giấy tờ có giá, trái phiếu

Thông thường nguồn vốn 1&2 đóng vai trò thứ yếu trong việc cấu thành chi phí tín dụng và ảnh hưởng nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong các hoạt động thực tế của ngân hàng, các nguồn tiền này giúp ngân hàng cân bằng thanh khoản, nếu tận dụng tốt có thể giảm chi phí vốn trong ngắn hạn. Với mục đích giới hạn của tài liệu này, chúng tôi xin không đề cập chi tiết các hoạt động này ở đây.

1.4 Nguồn vốn vay ngoại tệ:

Một số ngân hàng có cơ cấu nguồn vốn từ ngoại tệ khá lớn (TCB, VIB, VPB), đối với những ngân hàng này rủi ro tỷ giá và lãi suất đồng tiền ngoại tệ tương ứng (chủ yếu là USD, Yên Nhật), ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí huy động và làm thu hẹp NIM của ngân hàng.

2. Thị trường kinh doanh tín dụng: 

Tương tự các doanh nghiệp thông thường khác, việc kinh doanh của các NHTM cũng có chu kỳ và chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến vĩ mô, các thị trường liên quan & chính sách điều hành.

Nên nắm bắt và hiểu rõ chu kỳ kinh doanh của ngành có thể phần nào dự đoán trước được xu hướng & điểm rơi chu kỳ tăng/giảm giá cổ phiếu.

4 yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh của Ngân hàng (cần lượng hóa trong quá trình  định giá cổ phiếu)

4 yếu tố ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu ngân hàng

2.1 Tình trạng kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành của NHNN

2.1.1 Cơ quan quản lý: Ngân hàng nhà nước, Kho bạc, Chính Phủ.

Ở bất cứ nền kinh tế hoặc một khối quốc gia nào, NHNN hay NHTW luôn là một trong những tổ chức điều hành có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, nếu không muốn nói là ảnh hưởng lớn nhất – thông qua việc điều hành các chính sách tiền tệ, nhằm điều tiết nền kinh tế.

Bitcoin được nhiều người tin tưởng là đồng tiền của tương lai, đồng tiền của sự tự do. Ngược lại số khác có quan điểm cho rằng các đồng coin sẽ không bao giờ có tương lai, đặc biệt người “thấm nhuần” tư tưởng chính sách tiền tệ truyền thống. Dựa trên những cơ sở lý luận từ các học thuyết kinh tế nền tảng,  họ cho rằng Chính phủ các nước sẽ không bao giờ cho phép bitcoin trở nên quá phổ biến, hay cho phép tiền số trở thành đồng tiền thanh toán hợp pháp rộng rãi.

Cho phép một đồng tiền ngoài vòng kiểm soát như vậy trở thành phương tiện thanh toán, tương đương với việc từ bỏ bớt quyền lực và sức mạnh điều tiết nền kinh tế từ NHNN. Điều này rất rủi ro, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, khi nền tài chính quốc gia chưa vững mạnh, cần “bảo hộ” đồng nội tệ, cũng như kiểm soát dòng vốn ra vào nền kinh tế (tương tự lý do Việt Nam và nhiều nước cấm thanh toán nội địa bằng Đô Mỹ, vàng hay bất cứ phương pháp thanh toán nào khác, ngoài đồng nội tệ).

NĐT cổ phiếu có lẽ là những người cảm nhận rõ ràng nhất tầm ảnh hưởng của các chính sách từ Cơ quan điều hành tới thị trường, đặc biệt trong giai đoạn 2022-2023.

Trong thời kỳ nhạy cảm 2022-2023, các chính sách tiền tệ có quyết định sống còn đến hàng loạt DN BĐS. Nổi bật nhất là hàng loạt thông tư (03/2023; 06/2023…) hay nghị định (65/2022; 08/2023) thắt chặt nguồn cung tín dụng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (70% lượng TPDN được phát hành từ DN BĐS) khiến cho nhiều DN BĐS đã, đang và có thể tiếp tục bên lề ranh giới vỡ nợ. Kéo theo các ngành liên quan: Ngân hàng, xây dựng, nhóm vật liệu xây dựng… phần lớn đều giảm theo, khiến đà tăng của TTCK bị đảo ngược và quay đầu giảm mạnh.

Ngoại trừ các biện pháp điều tiết “thường ngày” của NHNN đối với các NHTM như:

  • Giao cấp hạn mức tín dụng đến từng NH –> Tác động đến khả năng tăng trưởng (g) kinh doanh NHTM;
  • Tăng/giảm tỷ lệ LDR, CAR tối đa –> Tác động đến hiệu quả kinh doanh (GFM) của NHTM;
  • Tăng/giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc –> Tác động đến thanh khoản, chi phí vốn của NHTM;
  • Điều chỉnh lãi suất điều hành (hay đặt trần lãi suất cho vay, tiền gửi…) –> Ảnh hưởng đến chi phí huy động vốn, tỷ lệ sinh lời tài sản, NIM…

NHNN còn có thể ra các thông tư hoặc nghị định từ Chính Phủ đến từng đối tượng, ngành nghề là khách hàng của NHTM, tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể tác động gián tiếp đến thị trường với biện pháp mềm mỏng hơn (thay vì ra các thông tư ép buộc NHTM phải thực hiện), bằng cách tác động vào khối NHTM cổ phần nhà nước (BIDV, VCB, CTG, AGRI) gây áp lực cạnh tranh đến các NHTM cổ phần tư nhân, ví dụ:

  • Giảm lãi suất cho vay thương mại
  • Các gói tài trợ cho vay giá rẻ đến các đối tượng, ngành nghề theo chính sách…

–> Nhằm uốn nắn dòng vốn tài chính hiệu quả hơn, theo mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra.

2.1.2 Tình trạng kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành

Chu kỳ tăng trưởng kinh tế không chỉ tương quan thuận với chu kỳ tăng trưởng tín dụng, mà còn đi kèm với khả năng trả nợ của khách hàng. Trong phần lớn các trường hợp, những chỉ số vĩ mô dưới đây thể hiện tình trạng của chu kỳ tăng trưởng/suy thoái của nền kinh tế:

    • Tăng trưởng GDP, xuất khẩu;
    • Tỷ lệ thất nghiệp;
    • Số DN đăng ký mới;
    • Chỉ số sản xuất PMI;
    • Chỉ số CPI, lạm phát;
    • Giá tài sảntích luỹ; tài sản đảm bảo: Bất động sản, cổ phiếu…
    • Nợ xấu hệ thống ngân hàng…

Dựa một phần thông tin từ các chỉ số vĩ mô trên, NHNN sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ đối ứng hoặc để hạn chế đà tăng nóng của nền kinh tế hay ngành nghề, thị trường nào đó,

Năm 2022 đánh giá sự tăng trưởng từ TT BĐS nóng, chủ yếu từ nguồn cung tín dụng quá đà từ NHTM và TPDN, Ngân hàng nhà nước đã ra nghị định 65 và hàng loạt các thông tư sau đó, để hạn chế dòng chảy tín dụng này.

hoặc để hỗ trợ môi trường vĩ mô, làm rẻ nguồn vốn nợ vay, giúp các DN dễ “thở hơn”, hoặc kích thích mở rộng sản xuất kinh doanh.

Năm 2023 khi nền kinh tế chậm tăng trưởng, xuất khẩu giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng… NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, ra các thông tư chỉ đạo NHTM ân hạn vay nợ, ngừng áp dụng các thông tư cứng rắn (thông tư 06/2023) giảm áp lực nợ vay cho các DN, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Do bị ảnh hưởng bởi cả (1) tình trạng nền kinh tế lẫn (2) chính sách điều hành, trong đó không phải lúc nào (2) chích sách điều hành cũng điều chỉnh hiệu quả (1) tình trạng nền kinh tế theo ý chí của NHNN, nên triển vọng kinh doanh của ngành NH không phải lúc nào cũng dễ đoán.

Trong trạng thái khó đoán định chính sách kinh tế ở những giai đoạn tiếp theo,  giá cổ phiếu thường biến động khó lường và bị định giá ở mức thấp, do:

  • Kỳ vọng của thị trường liên tục thay đổi;
  • Các biến động rủi rovĩ mô tăng;
  • Chính sách tiền tệ liên tục thay đổi theo diễn biến bất thường của nền kinh tế,
  • Sức khoẻ tài chính nhiều DN ở mức rủi ro cao, tồn tại/phá sản phụ thuộc vào chính sách và biến động vĩ mô.

Năm 2023 có thể coi là một ví dụ điển hình của những vấn đề trên.

lịch sử định giá PB ngân hàng TCB
Rủi ro vĩ mô tăng cao, định giá P/B ngành NH 2023 ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Nguồn: VND

Làm thế nào để đoán định chính sách tiền tệ của NHNN và phản ứng của thị trường?

Anh/chị NĐT đã tham gia thị trường chứng khoán, hẳn không ngạc nhiên khi chứng kiến vô số “chuyên gia” Việt Nam dự đoán “hoàn toàn chính xác” về các vấn đề vĩ mô, phổ biến gần đây nhất là các động thái của FED liên quan đến các quyết định tăng/giảm lãi suất cơ bản ở Hoa Kỳ.

Lý do trong phần lớn các giai đoạn, các quyết định của NHTW Mỹ khi điều hành lãi suất đều tương đối dễ đoán, và FED luôn cố gắng khiến các quyết định của mình dễ đoán nhất có thể cho thị trường, nhằm mục đích:

  • Giúp thị trường đặt kỳ vọng hợp lý;
  • Giảm các cú sốc,tránh khủng hoảng kinh tế;
  • Tạo môi trường vĩ mô ổn định, giúp DNdễ dàng xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính hiệu quả…

Không chỉ FED, mà mọi NHTW hay NHNN ở bất cứ quốc gia nào, kể cả Việt Nam, trong phần lớn các trường hợp đều nỗ lực làm những điều tương tự như vậy. Trước khi tăng giảm lãi suất hay ra bất cứ một quyết định điều tiết dòng chảy tín dụng nào đó, họ đều cố gắng đưa ra những cảnh báo sớm nhất có thể nhằm giảm tối thiểu những quyết định mang tính “quay xe” bất ngờ, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các DN, ngành nghề.

Nghị định 65/2022 về quy định phát hành TPDN riêng lẻ, của NHNN là một ví dụ tiêu biểu cho thấy sức nặng ảnh hưởng của chính sách. Mặc dù trước đó, NHNN đã ra các thông tư, nghị định (165/2020) và các thông báo khác để cảnh báo trước “đường lối” mà NHNN sẽ thực hiện.

Tuy nhiên tình trạng hiện nay chúng ta đã thấy rõ, hàng loạt DN BĐS dân dụng rơi vào cảnh chậm trả trái phiếu. Novaland từ một DN hàng đầu trong lĩnh vực BĐS rơi vào tình cảnh gần như… vỡ nợ, giá cổ phiếu giảm gần 10 lần chỉ trong vòng 2 tháng.

Như vậy trong bối cảnh thông thường, NHNN sẽ cố gắng đưa ra các dấu hiệu sớm cho thấy định hướng điều hành chính sách tiền tệ, và cũng sẽ cố gắng nhất quán với các định hướng đó. Trường hợp này, giá trị từ việc dự đoán chính sách không có nhiều ý nghĩa.

Do đó giá cổ phiếu trên thị trường thông thường tự điều chỉnh “phù hợp” trước đó với kỳ vọng tương ứng, khi có các thông tin công bố chính thức (vd: việc ngân hàng tăng/giảm lãi suất theo lộ trình, thì giá cổ phiếu không biến động đáng kể).

Tuy nhiên, không phải lúc nào Cơ quan quản lý cũng có thể nhất quán với các kế hoạch tính toán trước. Bởi nhiều vấn đề vĩ mô trong nước và thế giới không nằm trong khả năng kiểm soát của họ. Đặc biệt đối với những biến cố xảy đến bất ngờ (chiến tranh, dịch bệnh…) khiến họ buộc phải “quay xe” chính sách tiền tệ nhằm ứng phó phù hợp hơn với tình hình mới.

Trong những trường hợp như vậy, để có lợi thế trên thị trường, NĐT cần:

  • Nắm được số liệu hoặc thông tin trước, để dự đoán trước xu hướng thay đổi môi trường vĩ mô àDự đoán chính sách.

Đây là cách khá phổ ở các thị trường phát triển nhờ các giải pháp thu thập số liệu thống kê và phân tích hiệu quả. Tuy nhiên ở Việt Nam, theo giới hạn hiểu biết của chúng tôi, chỉ có một số tập đoàn lớn có đủ nguồn lực, hệ sinh thái để thực hiện việc nghiên cứu, thống kê số liệu một cách đủ toàn diện, và có ý nghĩa giá trị cho việc ra quyết định đầu tư sớm.

  • Nắm trước thông tin ra các chính sách vĩ mô bất ngờ để hành động đầu tư sớm.

NĐT phải có mối quan hệ “tay trong” với những người làm chính sách, tuy nhiên phần lớn các trường hợp này thường vi phạm pháp luật, tương tự như việc insider trading cổ phiếu ở các DN niêm yết.

Bên cạnh đó, phản ứng của thị trường như đã nói không phải lúc nào cũng tuân theo “ý chí” của chính sách, nên cũng không phải luôn hiệu quả.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin cảnh báo NĐT về “các cao thủ đầu tư” trên thị trường thường lợi dụng sự cả tin của NĐT ít kinh nghiệm, tự nhận có các mối quan hệ như vậy, hoặc có trình độ đầu tư vượt trội, có thể dự đoán chính xác trước chính sách.

  • Lượng hóa các biến cố bất ngờ, chính sách tác động đến môi trường kinh doanh để ra quyết định phù hợp với phản ứng của thị trường.

Đây là khả năng khả thi và thực tế nhất, thị trường nói chung, trong nhiều trường hợp có thể phản ứng “thái quá” với các thông tin vĩ mô, hoặc các chính sách vĩ mô bất ngờ.

Cố gắng đánh giá mức độ ảnh hưởng của những sự kiện đó đến triển vọng kinh doanh của DN, và lượng hóa hợp lý tác động đó đến giá cổ phiếu để đưa ra quyết định đầu tư, có thể nắm bắt được cơ hội mua/bán ở vùng giá hấp dẫn, trong lúc TT hoảng loạn hoặc quá hưng phấn.

Tuy nhiên việc cố gắng lượng hoá chính xác sự ảnh hưởng của các biến số mang tính bất ngờ hoặc các quyết định chính sách mang tính discretionary, thường tương đối khó khăn trong đầu tư, do khả năng ước đoán rất hạn chế. Phần lớn các trường hợp như vậy, khi phân tích và định giá cổ phiếu, NĐT nên mở rộng model định giá, bằng cách đặt ra các scenario khác nhau, sau đó đánh giá mức độ lợi nhuận/rủi ro của các khoản mục đầu tư, dựa trên đánh giá chủ quan về xác suất có thể xảy ra. Trong các buổi đào tạo, Vnstockmarket sẽ hướng dẫn NĐT thiết lập phần này.

2.2 Yếu tố ngành nghề:

Chúng tôi đã đề cập ở nhiều video phân tích, hiểu sâu cổ phiếu ngành ngân hàng, thông thường mỗi ngân hàng có những đặc thù phân khúc khách hàng khác nhau, phân bổ ở các mảng, lĩnh vực khác nhau, ví dụ:

  • Techcombank – Bất động sản
  • MB bank – Ngành bất động sản, năng lượng
  • VPBank – Bất động sản, vay tiêu dùng
  • OCB – Bất động sản, xây dựng…
Dư nợ tín dụng cho vay BĐS, mua nhà và xây dựng của NHTM 1H2023 - Source VND
Dư nợ tín dụng cho vay BĐS, mua nhà và xây dựng của NHTM 1H2023 – Source VND

Thông thường thì như vậy, nhưng ở Việt Nam, đặc biệt trong những năm qua, tỷ lệ cho vay các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp xây dựng, người dân mua nhà, chiếm tỷ trọng rất lớn. Dư nợ cho vay cho vay 3 lĩnh vực này chiếm đến 30-35% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Có nghĩa rằng, ngành BĐS và giá tài sản BĐS có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam, và hầu hết các ngân hàng đều exposure vào ngành này, chỉ khác nhau ở mức độ tham gia như thế nào, cụ thể:

  1. Cho vay doanh nghiệp bất động sản
  2. Cho vay doanh nghiệp xây dựng
  3. Cho vay người mua nhà, đất.

Đối với mảng cho vay 1&2, những NH đang tập trung cho vay tỷ trọng khách hàng tổ chức – dạng tín dụng bán buôn (Techcombank, HDBank..), sẽ có mức độ rủi ro về yếu tố ngành nghề cao hơn, do chủ yếu cho vay ở một số doanh nghiệp lớn.

Ảnh hưởng từ chu kỳ ngành nghề BĐS là lý do vì sao Techcombank – từ một NHTM được định giá cao top đầu ngành, đến nửa đầu năm 2023, lại là một trong những ngân hàng có mức định giá cổ phiếu (theo định giá P/B) rất thấp, chỉ tương đương với các ngân hàng nhỏ top dưới.

Đối với mảng 3. Người mua nhà cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ TT BĐS, với rủi ro chính, trong trường hợp khủng hoảng giá nhà, đất làm ảnh hưởng giá Tài sản đảm bảo (TSĐB) tại NH, cụ thể nếu: Giá nhà giảm mạnh dưới giá trị khoản vay thì người mua nhà/đất có thể từ bỏ tài sản đảm bảo và ngưng nộp tiền lãi (hoặc tiền thanh toán theo định kỳ cho chủ đầu tư).

Nhưng dù sao đây cũng là hình thức cho vay đỡ rủi ro hơn, do phân bổ người vay rộng hơn (KH cá nhân). Tuy nhiên bản chất vẫn nằm ở phân khúc nhà/đất mà ngân hàng cho vay: Nhà chung cư, nhà đất nền, đất nền… Do mỗi phân khúc sản phẩm ở mỗi thị trường địa phương, lại có diễn biến giá tương đối khác nhau.

Điều NĐT cần lưu ý:

NĐT cổ phiếu cần phải xác định rõ tệp khách hàng và phân khúc sản phẩm BĐS cho vay của mỗi NHTM. Thường các NHTM sẽ không công bố chi tiết các thông tin này (không có trong báo cáo tài chính, báo cáo quản trị rủi ro, báo cáo thường niên, thông cáo báo chí….), nên nhà NĐT buộc phải tự tìm hiểu NH về:

  • Chiến lược kinh doanh ở từng giai đoạn cụ thể;
  • Tệp khách hàng đang phục vụ và hướng đến;
  • Hệ sinh thái các công ty thành viên của khách hàng tổ chức lớn;
  • Hệ sinh thái các công ty thành viên của cổ đông lớn, hoặc các công ty có lợi ích liên quan…

Từ đó xác định mức độ tương quan của triển vọng kinh doanh NH, đối với các ngành nghề liên quan, các tổ chức liên quan và các nhóm khách hàng liên quan. Qua đó xác định xu hướng và mức độ ảnh hưởng từ các yếu tố này, đến giá cổ phiếu.

2.3 Yếu tố nội tại ngân hàng:

Như đã nói ở đầu chương, NHTM là một ngành lâu đời, có mô hình kinh doanh khuôn mẫu, đồng thời các hoạt động kinh doanh cũng rất chuẩn chỉ để tuân thủ các quy định pháp luật khắt khe đặt ra cho ngành nghề. Nên để thấu hiểu mô hình kinh doanh NHTM khá đơn giản.

Tuy nhiên, để phản ứng kịp và đi trước thị trường, nhà đầu tư cần “làm được nhiều hơn” như vậy. Trong đó hiểu rõ nội tại Ngân hàng lựa chọn đầu tư ở mức độ như:

  1. Lãi suất điều hành của NHNN tang/giảmtrong quý này à NIM của Ngân Hàng sẽ tăng/giảm; Mức độ tăng/giảm; Mức độ ảnh hưởng so với trung bình ngành?
  2. Trong TH ngân hàng chọn đầu tư mua lại một ngân hàng khác thì triển vọng kinh doanh sẽ thay đổi như thế nào? Kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng ra sao? Và giá cổ phiếu sẽ biến động theo xu hướng nào? (*)
  3. So với các ngân hàng cùng quy mô vị thế, NH lựa chọn đầu tư còn những dư địa gì tăng trưởng?Nếu có thể tối ưu được ở mức độ nào đó (so với các ngân hàng khác) thì giá cổ phiếu có thể tăng trưởng bao nhiêu %? (**)

TH (*) là ví dụ giả định ngân hàng VPB mua lại ngân hàng GPbank, chúng tôi đã thể hiện tính toán trong video hiểu sâu cổ phiếu VPB trên kênh Youtube: Vnstockmarket.

TH (**) là ví dụ ngân hàng Sacombank (STB), trong TH có thể tối ưu hệ thống vận hành (số hóa), nâng cao tỷ lệ CASA, giảm chi phí tại các chi nhánh cố định.

Đó là năng lực mà NĐT cần có (xác định được xu hướng giá cổ phiếu biến động theo các biến cố cụ thể tác động đến ngân hàng chọn đầu tư, dựa trên các đặc điểm nội tại của ngân hàng). Ở một mức độ cao hơn, chúng tôi cho rằng NĐT nên có năng lực ước tính, lượng hóa mức độ tác động của các yếu tố đó, đến giá cổ phiếu ngân hàng mà mình đầu tư.

Ví dụ: Nếu lãi suất điều hành tăng 0.5% thì NIM của NH đang đầu tư sẽ tăng/giảm khoảng bao nhiêu % à Lợi nhuận sẽ tăng/giảm bao nhiêu % à giá cổ phiếu sẽ giảm bao nhiêu % thì hợp lý?

Để làm được điều này, NĐT cần phải nắm rõ các đặc thù của Ngân hàng chọn đầu tư:

  • Cơ cấu lĩnh vực cho vay (Phần 2 ở trên)
  • Phân khúc khách hàng cho vay:

Tỷ trọng cho vay khách hàng tổ chức/cá nhân; Khách hàng lớn là ai, mối quan hệ với cổ đông lớn; Xu hướng, tình trạng tài chính, triển vọng kinh doanh… của các khách hàng lớn.

Ví dụ Masterise, Vingroup/Vinhomes, Masan… là các tập đoàn, khách hàng lớn của Techcombank, có các mối quan hệ lợi ích thân thiết giữa các cổ đông lớn.

  • Cơ cấu chi phí huy động vốn của khách hàng (tỷ lệ CASA, tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn, tỷ lệ vốn ngoại tệ…). Tiềm năng nâng cao tỷ lệ CASA, thông qua chuyển đổi NH số, hoặc dư địa tối ưu chuyển đổi. Khả năng chống “tổn thương” khi lãi suất tiền gửi huy động tăng.
  • Các rủi ro nhân sự thượng tầng, liệu chủ tịch có đang sở hữu hoặc có lợi ích kinh tế ở các DN đang bị thanhtra, hoặc là đối tượng đang có xu hướng bị thanh tra của cơ quan nhà nước hay không?

Trong các bài giảng cụ thể về ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ cụ thể hơn về “hệ sinh thái khách hàng” của các ngân hàng lớn ở Việt Nam.

III Rủi ro từ thị trường kinh doanh – Nợ xấu:

Ở trên là các phần quan trọng để đánh giá triển vọng kinh doanh của một ngân hàng, liên quan đến:

  • Khả năng tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng quy mô kinh doanh)
  • Khả năng nâng cao hiệu quả kinh doanh – NIM càng cao càng tốt

Tuy nhiên không phải lúc nào 2 chỉ số trên càng cao càng tốt. Xét trên khía cạnh NĐT cổ phiếu (kỳ vọng giá cổ phiếu đạt định giá cao), việc cân bằng và tối ưu giữa tăng trưởng và rủi ro kinh doanh của ngân hàng mới là quan trọng nhất.

Đây là điểm đối lập giữa giá cổ phiếu ACB và TCB trong suốt giai đoạn 2022-2023:

  • ACB – Ngân hàng cho vay DN BĐS, tỷ trọngnhỏ hơn 1% tổng dư nợ tín dụng, có mức định giá P/B ~ 1.3-1.5 lần.
  • TCB – Ngân hàng exposure lớn nhất lĩnh vực BĐS (65-80% dư nợ tín dụng cho vay DN BĐS, xây dựng và mua nhà). Ngoài racũng nắm giữ một lượng lớn TPDN (9-13%), có mức định giá P/B ~ 0.9-1.1 lần.

Tức khi so sánh tương đối, giá cổ phiếu ACB đang đắt gấp trung bình 1.35 lần giá cổ phiếu TCB. Một trong những lý do chính ở đây, là sự khác biệt về Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn.

Nợ xấu ảnh hưởng lớn như thế nào đến kết quả kinh doanh của ngân hàng?

Đối với các NHTM quy mô lớn như: TCB, VPB, MBB, STB, ACB, 1% nợ xấu sẽ rơi khoảng 4,000 – 6,000 tỷ, tương đương với 25% – 35% lợi nhuận sau thuế mỗi năm kinh doanh của họ (trong khoảng 3 năm gần nhất).

Ví dụ: Nếu giá cổ phiếu của 1 trong 5 ngân hàng ở trên đang ở mức 30,000 VND, ứng với mức “kỳ vọng” nợ xấu của NH rơi khoảng 2% trong 2 năm tiếp theo. Tuy nhiên 1 biến cố vĩ mô xảy ra, khiến rủi ro nợ xấu của NH này có thể tăng thêm 1% nợ xấu trong 2 năm tới, sau đó quay về mức bình thường. Thì theo ước tính chủ quan của chúng tôi giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 10%-15%. Ở các model định giá cổ phiếu cụ thể, chúng tôi sẽ thể hiện rõ điều này.

Ty le no xau gia tang nhanh nganh ngan hang

Hiện nay (thời điểm T11/2023) nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng trên báo cáo tài chính của các ngân hàng, cho dù ai cũng hiểu rằng nợ xấu tiềm ẩn còn đang rất lớn, nếu việc gia hạn nợ, phân loại nợ xấu không được “làm mềm” từ thông tư 02/2023 “ân hạn” của NHNN.

Để anh/chị NĐT hiểu rõ hơn mức độ “nghiêm trọng” của vấn đề nợ xấu tiềm ẩn, chúng tôi tiếp tục so sánh 2 ngân hàng TCB và ACB.

Quay trở lại “giai đoạn hùng cường” của ngành ngân hàng năm 2021, khi rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của ngành BĐS chưa lớn như năm 2023, cả 2 ngân hàng được thị trường trả giá trung bình ~ 2-2.5 lần P/B.

dien bien dinh gia PB cua ACB va TCB

Tức là nếu chi phí nợ xấu tiềm ẩn không phải vấn đề, thì thị trường đánh giá tiềm năng tăng trưởng của TCB và ACB tương đối ngang bằng nhau.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nợ xấu tiềm ẩn từ chính những khách hàng vốn được coi là lợi thế của TCB, đang là nguyên nhân hàng đầu khiến cổ phiếu TCB bị trả giá rẻ trên thị trường, chỉ bằng 1/2 giá so với chính TCB trước đó 2 năm và so với ACB, định giá cổ phiếu trên thị trường đang thấp hơn ~35%.

Tức nếu định giá TCB ngang bằng với ACB (P/B ~ 1.35, thay vì P/B ~ 1), thì giá cổ phiếu TCB có thể đạt ~ 35,000*1.35 = 47,250 VND/CP thay vì chỉ khoảng 30,000-35,000 VND như hiện nay. Tương đương với vốn hóa thị trường của ngân hàng Techcombank đang bị “discount” khoảng gần 50,000 ngàn tỷ, do rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cũng như triển vọng tăng trưởng tối đi đáng kể, bởi yếu tố ngành nghề liên quan ảnh hưởng.

Trong nhiều video phân tích cổ phiếu TCB và ngành ngân hàng, chúng tôi cũng đã nêu rõ những thế mạnh của ngân hàng Techcombank mà không mấy ngân hàng có được:

Mối quan hệ kinh tế gần gũi với các tập đoàn tư nhân hàng đầu, đặc biệt với các chủ tịch Đông Âu. Những tập đoàn này có vị thế rất lớn trong nền kinh tế và tăng trưởng thần tốc trong suốt 20 năm qua.

Nếu các khách hàng lớn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy trong thời gian tiếp theo, chúng tôi cho rằng, TCB sẽ trở thành quán quân NHTM về cả hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng quy mô. Thậm chí vượt trội so với các ngân hàng cùng quy mô hiện tại.

Nhắc lại điều này để khẳng định tiềm năng tăng trưởng của TCB, với lợi thế tệp khách hàng của họ là rất lớn, nếu không muốn nói trong trường hợp ngành BĐS dân dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh, TCB có thể tăng trưởng… không có đối thủ.

Ngược lại, trong trường hợp anh/chị NĐT dự đoán thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi, các khách hàng của TCB sẽ sớm bán được hàng với giá cao và trả nợ TCB đúng hạn, đầy đủ gốc & lãi. Tức là nếu:

  • NHNN thay đổi chính sách tín dụng, cho phép các DN BĐS tiếp tục phát hành trái phiếu DN đảo nợ. NĐT cá nhân hoặc tổ chức tiếp tục tin tưởng mức độ an toàn của TPDN và mua vào như giai đoạn trước 2022
  • Đồng thời thị trường BĐS ấm lên, NĐT BĐS mua nhà, mua đất nền, chung cư… mạnh mẽ, giá BĐS tiếp tục tăng

Thậm chí, giá cổ phiếu Techcombank có thể quay trở lại mức định giá cao trong quá khứ (P/B = 2 lần ~ 35,000 * 2 = 70,000 ngàn đồng), nếu:

  • Luật sửa đổi đất đai tiếp tục có lợi cho các DN phát triển BĐS;
  • Thủ tục pháp lý ở các dự án BĐS được tháo gỡ;
  • Nhu cầu mua/thuê căn hộ, condotel, shophouse… tăng mạnh;

Hay nói cách khác, nếu môi trường kinh doanh trở lên thuận lợi và lạc quan tương tự như giai đoạn 2020-2021. Giai đoạn TCB có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành, cùng với tỷ lệ phủ nợ xấu cao nhất ngành.

Tỷ lệ phủ nợ xấu: (Non-performing loan ratio) là tỷ lệ được các ngân hàng sử dụng để đánh giá khả năng phòng thủ của mình trước những rủi ro liên quan đến vấn đề nợ xấu.

Công thức xác định tỷ lệ bao phủ nợ xấu:

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu = Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu

Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng Việt Nam thường không tách bạch về khoản dự phòng nợ xấu trong các báo cáo của mình. Vì thế, người ta có thể sử dụng tỷ lệ bao phủ nợ quá hạn để theo dõi. Theo đó:

Tỷ lệ bao phủ nợ quá hạn = (Dự phòng cụ thể + Dự phòng chung)/Tổng nợ quá hạn

Làm cách nào xác định mức nợ xấu tiềm ẩn của NH:

Tương tự như việc xác định khả năng tăng trưởng tín dụng và tiềm năng nâng cao hiệu quả kinh doanh (NIM) của ngân hàng, để xác định nợ xấu tiềm ẩn của một ngân hàng cụ thể, NĐT cổ phiếu cần nắm rõ nội tại của NH, cụ thể:

  • Tệp khách hàng, phân khúc khách hàng
  • Tỷ lệ cho vay khách hàng Doanh nghiệp/khách hàng cá nhân
  • Tỷ trọng các lĩnh vực cho vay: Mua nhà, xây dựng, tiêu dùng, nông lâm nghiệp…

cach xac dinh no xau tiem an co phieu ngan hang

  • Tình trạng tài chính, thu nhập khách hàng lớn
  • Chất lượng tài sản đảm bảo:

tai san tinh theo rui ro tin dung cua nganh ngan hang

  • Quy trình quản trị rủi ro nội bộ:
  • Thẩm định tín dụng;
  • Quy trình định giá tài sản đảm bảo (do chuyên viên định giá độc lập hay nhân viên tín dụng);
  • Quy trình kiểm soát sau;
  • Tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo trong từng giai đoạn kinh doanh…

Một phần thông tin ở trên có thể tìm tại báo cáo an toàn vốn CAR của các ngân hàng.

Dựa vào các thông tin trên, xác định xu hướng tăng/giảm nợ xấu tiềm ẩn của NHTM không khó. Tuy nhiên để ước tính và lượng hóa cụ thể vào giá cổ phiếu, cần xây dựng các model tính toán, cùng các dữ liệu quá khứ tham khảo, và quan trọng nhất là nắm bắt được tình trạng tài chính và xu hướng thu nhập nhóm khách hàng của NH.

  1. Các vấn lưu ý khác:
  2. Sở hữu chéo, sân sau, hệ sinh thái… của các NH Việt Nam, cơ hội và rủi ro cho nhà đầutư cá nhân.
  3. Xu hướng số hóa & minh bạch nền kinh tế sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh cho các NHTM như thế nào?
  4. Nhân sự và chiến lược mớitrong cuộc chiến Chống Tham Nhũng của Tổng Bí Thư kế nhiệm sẽ tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh tài chính của các NHTM?
  5. Nới room sở hữu nước ngoài của các NH sẽ tiếp tục chọn lọc?
  6. Cổ phiếu NH trong nhiệm vụ dẫn dắt nâng hạng Thị trường chứng khoán.

Các vấn đề trên ngoài việc phụ thuộc vào xu hướng phát triển của ngành, của mỗi ngân hàng, còn chịu sự biến động từ xu hướng phát triển xã hội, chính trị… có phần nhạy cảm. Chúng tôi hi vọng có cơ hội trao đổi tầm nhìn và quan điểm chủ quan với anh/chị NĐT ở những cơ hội phù hợp hơn.

Đăng ký khóa học phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

 

Similar Posts