VND se giam gia bao nhieu so voi USD trong nam 2022

Tính tới cuối tháng 7, đồng VND tiếp tục giảm 0,38% so với đồng USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, đồng VND giảm 2,21%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, USD Index (DXY) tăng thêm 0,76% so với tháng trước và tăng 10,70% trong 7 tháng…

Theo báo cáo vĩ mô tháng 7/2021 mới công bố của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á vẫn có diễn biến giảm so với USD. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan giảm mạnh nhất từ đầu năm, ở mức 9,42%; còn đồng VND ghi nhận mức giảm thấp nhất, 2,21%.

VND sẽ giảm giá bao nhiêu so với USD trong năm 2022? - Ảnh 1

Báo cáo cho biết sau kỳ họp chính sách tháng 7, FED quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) trong tháng thứ 2 liên tiếp. Đồng USD có những thời điểm lên giá xấp xỉ 13%, đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, trước khi hạ nhiệt về cuối tháng.

Trong khi đó, từ đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã nâng tỷ giá bán ra USD lần thứ 2 trong năm, từ mức 23.250 thêm 150 đồng, lên 23.400 VND/USD, đồng thời thay đổi phương thức bán từ kỳ hạn 3 tháng sang giao ngay.

Theo các chuyên gia, áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá mạnh, trong khi Việt Nam vẫn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực dương, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao.

Do đó, BVSC dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Ở bình diện lãi suất, tính tới cuối tháng 7, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 7 điểm cơ bản, lên mức 5,77%. Như vậy, lãi suất huy động đã tăng 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 23 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Đà tăng của lãi suất huy động so với cuối năm 2021 đã có phần rõ rệt hơn và tới từ tất cả các nhóm ngân hàng.

Theo SBV, tăng trưởng tín dụng tới ngày 26/7/2022 đạt 9,42%, mức tăng tháng 7 cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dù vậy, đà tăng của tín dụng đã chững lại đáng kể trong tháng 7, khi chỉ tăng thêm 7 điểm cơ bản so với cuối tháng 6, do các ngân hàng thương mại đều đã tới hạn mức tín dụng trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới room.

Trong khi đó, việc SBV bán ngoại tệ và hút ròng với khối lượng lớn qua thị trường mở đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần cuối tháng 7, lên mức cao nhất trong vòng 3 năm.

Các chuyên gia nhận định áp lực tăng này có thể sẽ không kéo dài và lãi suất liên ngân hàng trở lại mức cân bằng trong tháng 8 – tháng 9 tới đây, khi lượng tín phiếu phát hành trong tháng 7 đáo hạn.

Tuy nhiên, việc SBV  đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao một phần nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, khi đồng VND đã mất giá 2,21% so với đồng USD, trước động thái nâng lãi suất của Fed. Do đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó quay lại mặt bằng thấp như trong tháng 6 vừa qua mà sẽ về quanh mức trung bình trong giai đoạn cuối năm 2019 (3- 4% – thời điểm trước dịch Covid-19) trong các tháng tới đây.

Diễn biến này cũng sẽ tạo áp lực khiến lãi suất huy động tiếp tục có diễn biến tăng trong thời gian tới, dự báo tăng khoảng 50 điểm cơ bản trong cả năm 2022 so với cuối năm 2021.

Chỉ số CPI tháng 7/2022 tăng 3,14% so với cùng kỳ và 0,40% so với tháng 6/2022. Trung bình 7 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 2,54% so với cùng kỳ.

Đóng góp của các nhóm hàng vào chỉ số CPI trong tháng 7 so với cùng kỳ.
Đóng góp của các nhóm hàng vào chỉ số CPI trong tháng 7 so với cùng kỳ.

Nhóm giao thông tiếp tục là nhóm hàng có mức tăng giá mạnh nhất, ở mức 15,22% so với cùng kỳ năm trước, do giá xăng tăng trên 35% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm thực phẩm có tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ, ở mức 1,94%. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất của nhóm thực phẩm kể từ tháng 12/2020 tới nay. Đáng chú ý, giá thịt lợn trong tháng 7 đã bắt đầu tăng trở lại so với cùng kỳ, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021 tới nay.

Ngược lại, nhóm giáo dục và bưu chính viễn thông là 2 nhóm duy nhất vẫn đang ghi nhận mức giảm do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong đại dịch và giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

BVSC đánh giá các tháng tới sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng mạnh hơn của chỉ số CPI và có thể sẽ có những tháng chỉ số CPI YoY vượt mức 4%. Nguyên nhân là do giá thịt lợn hơi – thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong rổ thực phẩm hiện đã tăng khoảng 30% so với cuối năm 2021, trong khi nhóm thực phẩm cũng là nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI của Việt Nam.

Hiện tại, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa trong chính sách tài khóa để kiểm soát giá, như chưa tăng tiền điện, chưa tăng học phí cho giáo dục, hay giảm thuế đối với các mặt hàng xăng dầu. Hiện tại, riêng trong tháng 7, giá xăng đã có 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, một phần nhờ vào quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường lần thứ 2. Dù vậy, Chính phủ hiện vẫn tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thêm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.

Do đó, với mức tăng CPI trung bình tương đối thấp (2,54% YoY) trong 7 tháng đầu năm, cùng sự kiểm soát của Chính phủ, trong trường hợp xấu nhất – giá dầu thô trung bình tăng trở lại về cuối năm và trung bình cả năm ở mức 110 USD/thùng và giá thịt lợn trung bình 65.000 VND/kg, lạm phát cả năm 2022  được dự báo sẽ chỉ ở khoảng 3,5%.

Similar Posts