Rủi ro đạo đức trong đầu tư chứng khoán

Giống như ngành ngân hàng, bảo hiểm, rủi ro đạo đức trong đầu tư chứng khoán cũng là một trong những vấn đề quan trọng, mà nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán phải đối mặt. Ở phần I chủ đề này, xin đề cập đến tính rủi ro đạo đức khi nhà đầu tư sử dụng các dịch vụ đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi sử dụng các loại dịch vụ đầu tư, khách hàng có thể đối mặt với các rủi ro mang tính đạo đức. Do lúc đó họ không tự thực hiện đầu tư hoặc có thực hiện đầu tư nhưng bị ảnh hưởng tư vấn bởi bên thứ ba, tức là bên phía công ty cung cấp dịch vụ ( dịch vụ tư vấn, ủy thác hay quỹ đầu tư). Bên thứ ba có thể lợi dụng ảnh hưởng tư vấn, hoặc quyền quyết định đầu tư thay mặt khách hàng, để chuộc lợi cho chính mình, làm giảm hiệu quả đầu tư và gây thiệt hại tài sản của khách hàng.

Ở bài viết này xin các phân tích rủi ro đạo đức thực tế đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đối với việc sử dụng các dịch vụ đầu tư. Trong đó trọng tâm là cơ chế phí dịch vụ trộn lẫn mà phần lớn các công ty môi giới chứng khoán hiện nay đang áp dụng.

1. Rủi ro đạo đức ở loại hình dịch vụ tư vấn đầu tư:

Hình thức phổ biến nhất hiện nay là hình thức tư vấn đầu từ các môi giới chứng khoán (broker), hay còn gọi là nhân viên tư vấn, nhân viên quản lý tài khoản. Bản chất công việc của nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán là các nhân viên kinh doanh, với nhiệm vụ chính mang lại doanh thu (thu từ phí giao dịch và các phí dịch vụ khác của khách hàng) để nhận phần trăm hoa hồng.

Cơ chế thu phí tư vấn “trộn lẫn” với phí giao dịch và các loại phí dịch vụ khác, gây rủi ro đạo đức lớn cho khách hàng. Hệ quả là nhiều khuyến nghị tư vấn có chất lượng thấp, có thể còn ngầm thúc đẩy khách hàng giao dịch mua bán và sử dụng đòn bẩy tài chính margin để đạt doanh số, thu nhập cao.

Cách phòng ngừa rủi ro đạo đức: 

Vnstockmarket đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư có cơ chế tính phí kiểu này bởi không chỉ về mặt rủi ro đạo đức, mà chất lượng và trình độ đầu tư của môi giới phần lớn cũng thấp. Mặt khác, chi phí phải trả cho các dịch vụ khác kéo theo có thể rất lớn, đặc biệt khi tâm lý nhà đầu tư có thể bị kéo theo dẫn đến giao dịch thường xuyên.

Chỉ nên sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán nếu:

  • Phí tư vấn đầu tư chứng khoán phải độc lập và tách bạch khỏi các phí dịch vụ khác (đặc biệt là phí giao dịch).
  • Chi phí tư vấn đầu tư hoặc tỷ lệ thuận với hiệu quả đầu tư của khách hàng, hoặc là phí cố định.

2. Rủi ro đạo đức ở dịch vụ ủy thác chứng khoán: 

Tương tự dịch vụ tư vấn, dịch vụ ủy thác đầu tư cũng nhất thiết phải đảm bảo loại bỏ cơ chế phí dịch vụ lẫn lộn của công ty cung cấp dịch vụ. Tức là phí dịch vụ ủy thác phải độc lập và tách bạch với các loại phí khác mà bên cung cấp dịch vụ không có cùng lợi ích.

Tránh trường hợp khách hàng ủy thác đầu tư cho đơn vị là công ty chứng khoán, phí ủy thác mặc dù chỉ vài phần trăm. Tuy nhiên các chi phí giao dịch, phí lãi margin và các dịch vụ khác lên đến 20-30% giá trị tài khoản. Nhiều trường hợp, mặc dù kết quả các giao dịch đầu tuy không kém, nhưng kết quả lợi nhuận cuối cùng lại lỗ, do các chi phí dịch vụ phát sinh quá nhiều.

Cách phòng ngừa rủi ro đạo đức: 

Tránh ủy thác cho cá nhân/tổ chức nếu hợp đồng ủy thác đầu tư không có điều khoản đảm bảo loại bỏ cơ chế “phí chồng phí”, đối với:

  • Nhân viên môi giới chứng khoán, (nhân viên tư vấn) tại các công ty chứng khoán.
  • Đại diện công ty môi giới chứng khoán nơi khách hàng mở tài khoản.
  • Công ty tư vấn có hợp đồng hưởng phí hoa hồng, hoặc người đại diện hưởng phí hoa hồng và các loại phí khác với công ty môi giới chứng khoán – nơi khách hàng mở tài khoản.

Phương pháp và điều khoản hợp đồng ủy thác để đảm bảo để loại bỏ cơ chế tính phí rủi ro này có thể là:

  • Xây dựng chiến lược đầu tư và dự phóng mức chi phí dịch vụ có thể phát sinh trong quá trình đầu tư (phí giao dịch, phí lưu ký…) cho khách hàng.
  • Tùy theo từng chiến lược đầu tư khách hàng lựa chọn với mức chi phí dịch vụ dự tính tương đương, nếu vượt quá con số dự tinh, công ty/quỹ ủy thác đầu tư phải hoàn lại một phần chi phí đó cho tài khoản của khách hàng. (Theo kinh nghiệm của chúng tôi thông thường tổng các loại chi phí phát sinh với tài khoản không sử dụng đòn bẩy vay margin nên nhỏ hơn < 4%/năm).

3. Quỹ đầu tư: 

Có rất nhiều loại hình quỹ đầu tư khác nhau để nhà đầu tư tham gia, tuy nhiên với mục đích tiếp tục chỉ ra tính rủi ro đạo đức mà nhà đầu tư cần lưu ý khi quyết định tham gia đầu tư qua hình thức này, chúng tôi xin phân loại ra 2 loại quỹ theo tính chất: Quỹ đầu tư chủ động, và Quỹ đầu tư bị động (phổ biến là các quỹ ETF chỉ số).

Với quỹ đầu tư bị động: Phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam là các quỹ chỉ số ETF. Bản chất các quỹ cố gắng mô phỏng theo một rổ các cổ phiếu mặc định (hoặc ít thay đổi). Nên chi phí quản lý và chi phí giao dịch khá thấp, cơ chế hoạt động và chính sách quỹ cũng rất rõ ràng và mang cơ chế tính định sẵn. Nên tính rủi ro đạo đức của yếu tố con người tham gia ở loại hình quỹ này thường nhỏ và không đáng kể.

Đầu tư thông qua các quỹ chủ động cũng giống như sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư, khách nhau chính là thay vì được xây dựng quản lý riêng trên tài khoản của chính mình, thì bạn gửi chung tiền vào một tài khoản quỹ lớn với nhiều nhà đầu tư khác và ủy thác tài khoản lớn đó cho quỹ điều hành.

Chính “quy mô” lớn cùng với sự tham gia trực tiếp của yếu tố con người này phát sinh ra thêm nhiều vấn đề đạo đức. Không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các thị trường tài chính đã phát triển, theo thống kê các quỹ chủ động có hiệu quả hoạt động biến động rất khác nhau. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó, chúng tôi cho rằng chính là khả năng quản trị vấn đề đạo đức của từng quỹ. Cụ thể:

  • Cơ chế “phí chồng phí”: khác một chút ở trên, nhưng bản chất là giống nhau. Các công ty quản lý quỹ chủ động này, đồng thời sở hữu hay là cổ đông lớn của công ty chứng khoán – nơi quỹ chủ động đặt tài khoản giao dịch tại đó. (khi giao dịch chứng khoán, quỹ vẫn mất phí giao dịch cho công ty môi giới chứng khoán và các phí dịch vụ khác như một tài khoản bình thường). Như vậy khi quỹ càng chủ động giao dịch thì công ty chứng khoán càng có doanh số cao tức công ty quản lý quỹ (cổ đông lớn) được hưởng lợi.Tình trạng này rất phổ biến với ngay các công ty chứng khoán hàng đầu ở Việt Nam, mặc dù về mặt kinh doanh, thì điều này là hợp lý và dễ hiểu. Nhưng lợi ích chồng lấn đó lại đặt khách hàng vào các rủi ro đạo đức, khi các người quản lý quỹ có thể lợi dụng tài sản đầu tư từ quỹ tạo doanh số phí dịch vụ cho các công ty chứng khoán mà họ cũng có lợi ích ở đó.
  • Giao dịch tiểu khoản chuộc lợi cá nhân: Sự khác biệt lớn nhất giữa một quỹ và một tài khoản ủy thác là quy mô giao dịch. Đặc biệt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi quy mô và thanh khoản còn hạn chế ở nhiều mã chứng khoán.Trong quá trình cơ cấu danh mục đầu tư của một quỹ lớn có thể tạo ra xu hướng thay đổi giá đáng kể đối với những mã chứng khoán liên quan. Lợi dụng những biến động đó, những người quản lý các quỹ chủ động xây dựng các tiểu tài khoản khác có lợi ích riêng cho mình để giao dịch mua/bán trước khi thực hiện các lệnh mua/bán trên các quỹ lớn do chính họ quản lý.Điều này làm tăng giá chứng khoán trước khi quỹ mua vào (do các tiểu khoản đã mua mất một lượng cổ phiếu giá rẻ từ trước) và giảm giá chứng khoán (sau khi các tiểu khoản bán trước phần giá cao) khi quỹ bán ra. Do đó làm giảm hiệu quả đầu tư của quỹ, gây thiệt hại tài sản của nhà đầu tư.

Phòng ngừa rủi ro đạo đức: 

  • Cơ chế “phí chồng phí”:
    Thực tế ở Việt Nam hầu hết các quỹ đều sử dụng dịch vụ giao dịch tại công ty có liên quan lợi ích đến công ty quản lý quỹ của mình. Tuy nhiên có thể giảm thiểu rủi ro đạo đức này bằng cách kiểm tra các báo cáo lịch sử chi phí của Quỹ và công ty quản lý quỹ. Bóc tách kiểm tra các chi phí hoạt động, đảm bảo các chi phí dịch vụ không lớn bất thường để thấy được quỹ đầu tư thực sự phục vụ lợi ích cho nhà đầu tư tham gia, chứ không phải tạo doanh số, lợi nhuận cho lợi ích phía sau của công ty quản lý quỹ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi trong điều kiện thị trường bình thường thì chi phí dịch vụ không nên vượt quá 6%.
  • Giao dịch tiểu tài khoản chuộc lợi cá nhân: Đây là cơ chế rất khó để phòng ngừa, nhất là ở một thị trường đang phát triển, cơ chế giám sát đích danh hoặc những người có tài sản liên quan còn hạn chế như ở Việt Nam.

Quý nhà đầu tư có thể tham khảo dịch vụ đầu tư chứng khoán cao cấp của ITE group tại đây.

Vnstockmarket

 

 

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *