Lợi nhuận danh mục đầu tư cổ phiếu

Xác định lợi nhuận kỳ vọng hay lợi nhuận mục tiêu cho danh mục đầu tư cổ phiếu là bước đầu tiên khi xây dựng danh mục đầu tư chuẩn. Bài viết này, Vnstockmarket xin đưa ra 3 loại mục tiêu lợi nhuận khi đầu tư cổ phiếu, giúp nhà đầu tư dễ dàng hiểu hơn và có thể tự xác định các mục tiêu lợi nhuận của mình một cách phù hợp và hiệu quả.

Lợi nhuận mục tiêu đầu tư cổ phiếu của thể chia làm 3 loại cơ bản, nhà đầu tư có thể xem xét các tiêu chí dưới đây để tự định hình đặc điểm của mình, hỗ trợ cho việc xác định mục tiêu lợi nhuận hợp lý:

  • Tối đa lợi nhuận không điều kiện
  • Tối đa hóa lợi nhuận có điều kiện
  • Đặt mục tiêu lợi nhuận cụ thể

I. Tối đa lợi nhuận danh mục đầu tư không điều kiện (không có hạn chế)

Hình thức này, nhà đầu tư tập trung đến kết quả đầu tư cuối cùng, mong muốn đạt được lợi nhuận kỳ vọng cao nhất có thể. Danh mục đầu tư cổ phiếu cho mục tiêu lợi nhuận loại này, thường tập trung vào một số ít mã, được cho là có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong khoảng thời gian đầu tư.

Tối đa lợi nhuận danh mục đầu tư cổ phiếu

Khi tự định mục tiêu lợi nhuận như vậy, nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ rủi ro tiềm ẩn cho danh mục đầu tư sẽ cao hơn do:

  • Danh mục đầu tư tập trung vào số ít mã –> tăng rủi ro đặc thù kinh doanh từ doanh nghiệp đầu tư
  • Các mã chứng khoán được đánh giá tiềm năng cao, thường cũng được định giá cao sẵn trên thị trường. Nếu không đạt kỳ vọng tăng trưởng tương ứng, mã cổ phiếu có thể giảm nhiều lần so với giá thị trường hiện tại (Growth trap).

Vnstockmarket khuyến nghị nhà đầu tư không nên xác định mục tiêu lợi nhuận của danh mục đầu tư theo mức tối đa này, nếu Khả năng chịu đựng rủi ro thấp hơn 50% giá trị danh mục đầu tư, bởi:

Bất cứ cổ phiếu nào, bao gồm cả các cổ phiếu blue chip đều có thể giảm 30-50% hoặc hơn trong khoảng thời gian ngắn (vài tuần), nếu thị trường diễn biến xấu. Việc danh mục tập trung vào số ít mã chứng khoán trong giai đoạn đó, có thể khiến danh mục đầu tư giảm tương ứng đến 50% giá trị hoặc thậm chí hơn nếu sử dụng margin. Vậy nên nhà đầu tư nên luôn nhận thức rõ rủi ro có thể đối mặt trong những trường hợp xấu này.

Nếu ai đó nói khẳng định mã chứng khoán họ chọn rất tốt, không thể giảm đến 50%. Hay thời điểm họ mua bán rất chuẩn, thị trường không thể giảm mạnh giai đoạn đó thì nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc kỹ. Bởi thực tế, thị trường chứng khoán luôn có nhiều sự kiện bất ngờ nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của bất cứ tổ chức, chính phủ nào như dịch bệnh, chiến tranh, thảm họa, hoặc các quyết định tài chính, kinh tế từ các chính phủ, tổ chức quốc tế…

Vậy nên chúng tôi cho rằng, những “khẳng định” đó mang tính chủ quan và thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp hơn là năng lực thực sự của họ trong việc tư vấn đầu tư, hay thực hiện đầu tư cho khách hàng. Vậy nên nhà đầu tư đồng thời cũng nên luôn chắc chắn rằng. Tài sản/thu nhập ngoài khoản mục đầu tư này có thể đảm bảo các nhu cầu sống trong tương lai.

II. Tối đa lợi nhuận có điều kiện:

Các điều kiện được xây dựng thông thường giới hạn mức độ rủi ro, thanh khoản… của danh mục cổ phiếu ở mức độ nhất định. Ví dụ:

  • Số lượng cổ phiếu đầu tư tối thiểu
  • Số lượng ngành nghề đầu tư tối thiểu
  • Tỷ trọng đầu tư vào một cổ phiếu/ngành nghề tối đa theo giá trị đầu tư
  • Tỷ trọng đầu tư vào một cổ phiếu tối đa theo thanh khoản
  • Hệ số Beta tối đa của danh mục (<1.5)

Tuy nhiên trong một số trường hợp, các điều kiện đặt ra cũng nhằm thỏa mãn niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng của một số mã cổ phiếu hay ngành nghề, mà nhà đầu tư cho rằng chúng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với các ngành/mã chứng khoán khác:

  • Tỷ trọng tối thiểu đầu tư vào một cổ phiếu/ngành nghề cụ thể (ít nhất đầu tư 20% vào HPG)
  • Chỉ đầu tư vào cổ phiếu large-cap
  • Chỉ đầu tư vào các mã cổ phiếu có tăng trưởng doanh thu/lơi nhuận dương.

Ở mục tiêu lợi nhuận này thông thường danh mục sẽ cần tối ưu hóa tỷ trọng các mã cổ phiếu ở mức phù hợp với yêu cầu cụ thể của nhà đầu tư, xem video hướng dẫn dưới đây:

III. Đặt mục tiêu lợi nhuận cho danh mục đầu tư cổ phiếu:

Xác định mục tiêu lợi nhuận cho danh mục đầu tư cổ phiếu này có thể chia làm 2 loại: 

  • Mục tiêu lợi nhuận tuyệt đối, ví dụ: 20%/năm.
  • Mục tiêu lợi nhuận tương đối, ví dụ: lợi nhuận = lãi suất gửi tiết kiệm + 6%/năm; hoặc lợi nhuận chỉ số Vnindex + 3%/năm.

Thông thường mục tiêu lợi nhuận tuyệt đối được đặt cho danh mục đầu tư cho các loại chứng khoán nợ (trái phiếu), và mục tiêu lợi nhuận tương đối cho các loại chứng khoán vốn (cổ phiếu). Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên tự đưa ra các kỳ vọng cụ thể như vậy, để trong quá trình xây dựng danh mục có thể xác định rõ ràng các mục tiêu lợi nhuận từ các cổ phiếu chọn lựa. 

 Vnstockmarket

Similar Posts